Gợi ý tĩnh tâm chuẩn bị Rước lễ lần đầu | NIỀM VUI PHỤC VỤ

Gợi ý tĩnh tâm chuẩn bị Rước lễ lần đầu

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015


Lời nói đầu
Tài liệu này được soạn để dùng cá nhân, và cũng đã sử dụng được nhiều năm. Thiết nghĩ nó cũng có thể giúp ích cho người khác dùng tạm để đỡ mất công soạn bài. Vì vậy, hôm nay xin giới thiệu để dùng nội bộ.
Người biên soạn
Lm. Giuse N H T
Gp. Cần Thơ

Nội dung       





































Bài 1: CHÚA GIÊSU MỜI GỌI CÁC CON ĐẾN VỚI NGƯỜI


Các con thân mến!
1. Nhiều lần những người mẹ bồng con lên rước lễ; những đứa nhỏ trên dưới 1 tuổi ngây thơ nhìn mẹ rước lễ, rồi cũng chìa tay xin “bánh”! Cho đến 4, 5 tuổi, đứa trẻ mới tò mò hỏi mẹ: cái hộp (nhà tạm) có đèn trước cửa để cái gì trong đó hả mẹ? Bánh mẹ ăn là cái gì vậy? Và mẹ cắt nghĩa cho nó: đó là Mình Thánh Chúa Giêsu. Chúa ngự trong hình bánh là để nuôi linh hồn người ta, để ở với người ta; và giữ Mình Thánh Chúa trong nhà tạm để ta có thể đến gần Chúa, thờ lạy Chúa, tiếp rước Chúa. Chúa ở trong đó: im lặng, ẩn mình…nhưng vẫn thấy và yêu thương mọi người, vẫn mời gọi mọi người đến với Người. Đứa bé dần dần hiểu về Chúa trong phép Thánh Thể, và cũng bắt đầu tin và cung kính…

Truyện Thánh Madalena Pajji thuật rằng: lúc còn rất nhỏ, cô bé đã rất ước ao được rước Chúa, nhưng không ai cho. Bé tủi thân khóc, rồi mỗi lần mẹ bé lên rước lễ xuống, bé lại quỳ sát vào mẹ, nắm lấy vạt áo mẹ và nói “Mẹ vừa rước Chúa, mẹ được đầy ơn Chúa và chắc ơn Chúa tràn lan cả người mẹ, ra cả áo xống, và truyền sang cả con nữa phải không mẹ?”. Có thể trước đây, các con cũng có tâm trạng như vậy, phải không?

2. Thật ra không phải chỉ các con muốn đến với Chúa mà thôi, nhưng chính Chúa cũng muốn các con đến với Người. Phúc âm kể (Mt 19, 13-15): Người ta đem nhiều trẻ đến với Chúa để xin Ngài đặt tay chúc lành. Các môn đệ bực bội vì làm phiền cho Chúa, nên rày la và đuổi chúng đi. Nhưng Chúa Giêsu ôn tồn nói: “Hãy để mặc các trẻ nhỏ và đừng ngăn cản chúng đến với Ta…” rồi Người đặt tay chúc lành cho chúng. Có lúc: Ngài còn cho trẻ ngồi trên đầu gối Ngài nữa. Chúa muốn trẻ nhỏ đến với Chúa, vì chúng dễ thương và tiêu biểu cho những kẻ xứng đáng vào Nước Trời. Tuy nhiên, Chúa không chỉ mời trẻ, mà kêu mời mọi người đến với Chúa để được Chúa yêu thương nâng đỡ. Thánh Mathêô kể (Mt 11, 28): Chúa Giêsu ngửa mặt lên trời cầu nguyện, rồi Ngài tuyên bố: “Hãy đến với ta hết thảy những kẻ lao nhọc và vác nặng, và Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức”.  Chúa mời ta đến với Chúa để được lợi cho ta: Khi cuộc đời ta vất vả long đong: Chúa sẽ nâng đỡ; Khi ta buồn phiền, lo âu… Chúa sẽ an ủi; khi ta yếu đuối, chán chường, Chúa sẽ thêm sức cho, bởi vì Chúa là Đấng nhân ái, yêu thương và quyền phép. Muốn đến với Chúa, không còn cách nào mật thiết hơn là rước lấy chính Chúa vào lòng chúng ta, bởi vì lúc đó: Chúa không đứng xa, không đứng ngoài, không đứng bên cạnh, mà là ngự ở ngay trong linh hồn chúng ta; Sự sống của Chúa tràn vào sự sống của ta, sức mạnh của Chúa bao phủ cả đời sống ta; Chúa dạy, Chúa nói, Chúa an ủi ngay trong tâm hồn ta, cũng như cành tháp vào cây, được cây nuôi dưỡng, ta cũng được Chúa nuôi dưỡng như vậy. Còn gì hạnh phúc hơn?

3. Ngày xưa Giáo hội thận trọng, chỉ cho trẻ em từ 15 tuổi trở lên mới được rước lễ lần đầu, lý do là sợ chưa đủ khôn ngoan để rước lễ cho xứng đáng. Sau rút xuống 12 tuổi. Cuối cùng, Thánh Giáo hoàng Piô X đã cho phép các em được rước lễ sớm hơn nữa, chỉ cần điều kiện là làm sao các em có thể hiểu về phép Thánh Thể và có lòng yêu mến ước ao rước Chúa vào lòng; Tuổi đó có thể là 7 hoặc 8, tuổi có trí khôn. Như thế, vấn đề chính là: Để được rước Chúa, các con phải hiểu biết Chúa ở trong hình bánh, hình rượu thế nào?…, Chúa ngự ở đó để làm gì?..., Muốn rước lễ phải dọn tâm hồn thế nào cho xứng đáng?..., Phải biết yêu mến đón nhận và cám ơn Chúa làm sao?...

Các con thân yêu!
Nếu Chúa có mời gọi các con đến với Chúa, thì đó là vì Chúa yêu thương các con. Nếu Thánh Piô X đã để cho các con rước lễ sớm, cũng là vì muốn thoả mãn lòng khao khát rước Chúa của các con. Nếu họ đạo có tổ chức long trọng, cha mẹ chúng con có may đồ mới cho các con mặc, hoặc có tổ chức liên hoan mừng các con, thì cũng chỉ vì ngày các con được rước Chúa là biến cố trọng đại nhất trong đời các con; ngày Đấng Tạo Hoá đến thăm viếng tâm hồn các con, ban muôn hồng ân cho các con; đồng thời cũng là ngày các con được sống trọn vẹn đời sống người Kitô hữu như mọi người, nghĩa là được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, là trung tâm của mọi Bí tích, trung tâm của đời sống Kitô hữu. Các con được hưởng đầy đủ quyền lợi thiêng liêng, vì thế các con phải chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để rước Chúa thật sốt sắng, thật mến yêu và cũng được thật nhiều tình yêu thương và hồng ân Chúa ban nữa.

Bài 2: CHÚA GIÊSU, ĐẤNG YÊU THƯƠNG TA


Các con thân mến!
1. Chắc các con đã nghe kể rằng: Khi ông Môsê chạy trốn Vua Aicập đến miền Madian, ông lấy vợ ở đó và chăn cừu cho bố vợ trên sườn núi Khôrép. Một hôm ông thấy lùm cây trước mặt bốc lửa như cháy sáng, rồi có tiếng Thiên Chúa phán: Môsê, anh hãy cởi giày ra vì đây là nơi Thánh. Ông được Chúa chọn làm người lãnh đạo và không bao lâu sau, ông dẫn con cái Israel ra khỏi Aicập, cũng qui tụ dân ở chân núi này nơi sa mạc. Riêng ông lên núi gặp Chúa, và Chúa đã tỏ ra sự hiện diện bằng lửa cháy và sấm sét… Tất cả đều nói lên sự oai hùng và quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng khi Ngôi Hai Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu, thì sự oai hùng đó được che dấu, và Ngài chỉ hiện diện với tình thương đầy hấp dẫn.

2. Chúng ta hãy nhìn lại vài nét hấp dẫn này.
- Với các Tông đồ: Chúa Giêsu luôn sống chung với họ, giáo huấn, nhẫn nại và yêu thương họ, thường đi đâu cũng cho theo. Biệt phái chỉ trích các Tông đồ không rửa tay trước khi ăn, bứt lúa mì vò ra để ăn trong ngày Sabat… Chúa đều bênh vực; Những gì Chúa dạy quần chúng các ông không hiểu, về nhà Chúa dạy lại; Các ông tranh nhau làm lớn, Chúa không rầy mà chỉ dạy: muốn làm lớn phải hạ mình phục vụ; Ông Phêrô chối Chúa nhưng có lòng ăn năn, Chúa tha thứ lại còn đặt làm đầu Hội Thánh.
- Với những người đau khổ: đui, cùi, câm, bất toại, quỉ ám,… Chúa thông cảm, chữa khỏi hết.
- Với người tội lỗi: Chúa không bỏ rơi, vẫn quan tâm giúp quay về đàng lành và tha thứ. Thí dụ: Ngài gọi Mathêô làm môn đệ, dù ông đang làm nghề thu thuế, nghề bị coi là tội lỗi; Ngài đến thăm gia đình ông Giakêu, trưởng ty thu thuế; Ngài can thiệp cứu một phụ nữ ngoại tình sắp bị dân chúng ném đá chết.
- Nhưng đặc biệt nhất là Chúa lập Bí Tích Thánh Thể trước khi chịu khổ nạn để cứu chuộc ta. Các con biết buổi tối thứ năm trước ngày chịu chết, Ngài đã ăn tiệc Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ; trong chính lúc mà cách đó không xa, Cai pha và quân lính của ông đang chuẩn bị kế hoạch hành hạ Chúa… nghĩa là muốn tiêu diệt Chúa, muốn bôi tên Chúa khỏi mặt đất; thì chính lúc đó, Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với loài người mãi mãi, để thương yêu, nuôi dưỡng, nâng đỡ nhân loại chúng ta đủ sức tiến về quê hương thật là Nước Thiên Chúa hạnh phúc đời đời. Chúa lập phép Thánh thể để thực hiện lời hứa của Ngài nói với nhóm đông người Do thái theo Ngài sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất: Ta là bánh bởi trời xuống, ai ăn bánh này sẽ không phải chết… Ai ăn thịt và uống máu Ta sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho họ sống lại ngày tận thế. Các con có thấy không: Chúa thương yêu chúng ta đến thế là cùng!

3. Các con có nhớ tượng hoặc hình Thánh Tâm Chúa thế nào không? Có trái tim lộ ra ngoài, phải không? Câu chuyện thế này: Thánh nữ Margarita Maria Alacoque, người Pháp, ở thế kỷ 16, thuộc dòng Đức Mẹ Thăm Viếng, rất có lòng mến Thánh Thể Chúa. Một ngày kia, Chúa đã hiện ra và cho bà thấy hình Ngài với trái tim lộ ra lồng ngực, có ngọn lửa bốc cháy và những gai nhọn đâm thâu rỉ máu. Hình ảnh ấy nói lên điều gì?

- Trái tim lộ ra ngoài: có ý nói: tình yêu thương của Ngài dành cho loài người trọn vẹn, không còn giữ lại cho mình chút nào.
- Ngọn lửa tượng trưng tình yêu ấy nồng nàn cực độ, chứ không phải sơ sơ thôi.
- Những gai nhọn đâm rỉ máu có ý diễn tả: Ngài yêu thương loài người hết lòng nhưng người ta lại đáp trả bằng hững hờ và xúc phạm làm đau khổ cho tâm hồn Ngài.

Hiểu điều đó, Thánh nữ đã hết lòng sùng kính Thánh Thế Chúa, và tuyên truyền cho từ nhà Dòng đến cả tầng lớp giáo dân ngoài họ đạo cùng tôn sùng Thánh Thể, và đền tạ kính Thánh Tâm Chúa. Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã truyền mừng lễ Thánh Tâm Chúa trọng thể trong cả Giáo hội từ năm 1929.

Các con thân yêu!
Thánh nữ Margarita hiểu lòng Chúa yêu thương loài người nên đã tìm mọi cách làm cho cả Giáo hội sùng kính Thánh Tâm Chúa và Phép Thánh Thể. Còn các con, khi đã hiểu Chúa Giêsu yêu thương các con như thế, thì các con phải làm gì?

Hãy làm vài việc thiết thực này:
- Biết ơn và yêu mến Thánh Thể Chúa.
- Dọn tâm hồn trong sạch để rước Chúa vào lòng mình.
- Khi có dịp đến nhà thờ (bất cứ lúc nào), hãy vào quỳ gối thờ lạy Chúa, yêu mến và ước ao rước Chúa (quen gọi là rước lễ thiêng liêng).
- Chừa cải những tính xấu: chửi thề, nói tục, ăn gian, nói dối, giận hờn, cãi lẫy, đánh lộn, ngang ngược… để các con không những không bao giờ trở thành những cái gai đâm vào trái tim Chúa, mà còn được Chúa yêu thương, ban ơn che chở; lúc nào cũng sống bình an hạnh phúc trong trái tim yêu thương của Chúa.

Bài 3: TẠI SAO CHÚA GIÊSU BAN MÌNH NGÀI CHO TA?


Các con thân yêu!
Chắc các con cũng biết thói quen là: khi những người thân thương nhau phải chia tay mỗi người một phương, người ta thường tặng nhau món quà nào đó làm lưu niệm. Có điều chẳng ai có thể lấy chính thân mình mà tặng nhau như Chúa Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly; Ngài đã ban cho các tông đồ cũng như cho chúng ta ngày nay, chính Mình Ngài “các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy”. Tại sao Chúa lại ban như vậy?
1. Chúa muốn ở lại mãi với loài người chúng ta. Các con còn nhớ không, trước khi Chúa lên trời, Ngài đưa các tông đồ lên một mỏm núi cao, Ngài hứa với các tông đồ là sẽ ở lại với các ông mọi ngày cho đến tận thế; Vừa nói xong, Ngài liền cất mình lên cao, cao dần và biến mất vào đám mây. Chuyện có vẻ mâu thuẫn, phải không? Không đâu, Chúa có ra đi là về mặt thể lý mà thôi: ta không còn thấy Chúa nữa, nhưng về bản tính và linh hồn, thì Ngài vẫn ở lại trong Bí Tích Thánh Thể; Bao lâu còn Bí tích Thánh Thể thì bấy lâu Chúa vẫn còn ở giữa chúng ta như xưa Ngài hiện diện giữa dân chúng Palestin. Một linh mục kia thấy mẹ đau nặng khó qua khỏi, nghĩ cách giữ lại cái gì sống động nhất của bà. Ngài lấy máy cassette ghi những lời khuyên và những lời trăn trối của bà cụ; Sau này, mỗi lần giỗ lại mở băng ra nghe, có cảm nghĩ như mẹ vẫn sống, vẫn ở gần mình. Nhưng đó chỉ là mặt tâm lý, tình cảm… không như Chúa hiện diện nơi Thánh Thể: Ngài nghe ta, hiệp thông với tâm hồn ta, nói trong tâm tư ta và ban ơn nâng đỡ ta một cách hiệu quả thực sự; hơn hẳn những lời nói vô hồn trong máy cassette.

2. Chúa ban Mình Ngài cho ta để nuôi dưỡng ta trên đường lữ hành trần gian. Các con còn nhớ chuyện manna trong sa mạc không? Cả hàng mấy chục ngàn người Do thái trốn chạy khỏi Aicập để đến vùng đất hứa Chúa ban; vì nhiều lý do, nhất là an ninh, họ phải di chuyển từ từ, vòng vo trong hoang địa. Đất dai khô chồi, lúa gạo không đủ sống; nếu không có “viện trợ” thì chắc chắn chết đói trong rừng hoang này rồi. Chúa đã ban manna, sáng ngày cứ việc ra xúc lấy như bột gạo trên mặt đất. Họ được trợ cấp đủ cho tới khi vào đất Canaan. Thuở xưa, những người đi xa không có hàng quán bán đồ ăn, người ta cũng phải đem cơm nắm muối mè hoặc lương thực khô để ăn đường; không có lương thực này, người ta đi bộ, chèo thuyền xa hẳn sẽ đói, mệt… và có thể buông xuôi, bỏ cuộc dọc đường.

Cuộc đời của ta cũng giống như người đi đường về quê thật. Dân Do thái phải mất vài chục năm mới vào đất hứa Canaan phì nhiêu, sung túc. Chúng ta phải mất cả đời, có người 60, 70 hoặc trăm năm để về với Chúa hằng sống; trong thời gian dài dằng dặc ấy, đâu có được sống hoàn toàn bình yên! Nào vất vả vì cơm ăn, áo mặc cho mình lại cho cả người khác; nào hoạn nạn, tai ương, bệnh tật, lại thêm bao chước cám dỗ bởi ma quỉ, thế gian và cả tính hư xác thịt. Chúng ta nhiều lúc sẽ cảm thấy mỏi mệt, có thể chán chường thất vọng. Chúng ta cũng cần sức mạnh của ơn Chúa nâng đỡ, chúng ta cũng cần Lời Chúa hướng dẫn, khích lệ, và cần cả tình yêu Chúa sưởi ấm. Cũng như ta yếu bệnh thể xác cần vitamin, thuốc bổ để lấy lại nghị lực thế nào thì phần hồn cũng cần Chúa bổ dưỡng như vậy. Vì thế Chúa Giêsu mới kêu mời người ta rằng: “Hãy đến với Ta tất cả những ai lao công vất vả, Ta sẽ bổ sức cho”. Có lần Chúa còn nói mạnh hơn: “Ai không ăn Thịt và uống Máu thánh Ta, sẽ không có sự sống đời đời”.

3. Chúa Giêsu ban Mình Ngài cho ta còn nhằm mục đích nữa là để trở nên của lễ dâng tiến Cha, thể hiện lại hằng ngày Lễ hy sinh của Ngài trên thập giá xưa. Các con có biết các tôn giáo xưa nay thường dâng cúng cho thần linh của họ những gì không?

- Có tôn giáo chỉ dâng cúng trái cây, nhang đèn, hoặc súc vật như heo quay, gà luộc..
- Do Thái giáo hồi xưa cũng dâng của lễ: chiên, bò, cừu …thiêu đốt
- Có những tôn giáo xa xưa còn man rợ là giết các cô gái trinh để tế thần!
Nhưng dù trái cây, hoa lá, hoặc gia súc béo tốt, hay ngay cả mang sống con người…cũng chưa phải là của lễ đáng giá so với Mình Máu Chúa Giêsu hiến tế trên thập giá xưa mà nay được tái hiện không đổ máu trên bàn thờ. Tuy không đổ máu,  không đau đớn nữa, nhưng thánh Lễ hằng ngày vẫn là cuộc hiến tế thập giá của Chúa Giêsu để cứu chuộc và lập công cho ta mỗi khi ta tham dự vào cử hành Thánh Lễ. Giáo Hội cử hành Thánh Lễ với xác tín đó, vì Chúa đã truyền lệnh sau khi lập phép Thánh Thể: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể với những mục tiêu rõ ràng: để ở lại với chúng ta cho đến tận thế, để nuôi dưỡng ta trong cuộc sống dương gian đi về với Chúa và để có của lễ hiến tế lập công cứu chuộc ta. Vậy các con phải biết đáp lại ý Chúa: năng gần gũi với Chúa Thánh Thể hơn như: viếng Chúa, chầu Mình Thánh Chúa, gần gũi với Chúa bằng việc rước lễ thường xuyên với tâm hồn thật xứng đáng là trong sạch và đầy lòng mến, và cuối cùng là siêng năng đi dự lễ để cùng với linh mục tế lễ lên Chúa Cha, xin được tha thứ và ban tràn đầy ơn phúc và tình thương của Người, để trong cuộc sống vất vả này chúng ta được ủi an nâng đỡ, và sau cuộc sống này, chúng ta được cả Ba Ngôi đón nhận vào hạnh phúc cùng Ngài.

Bài 4: HỌC GƯƠNG SALOMON CHUẨN BỊ RƯỚC CHÚA


Các con thân yêu!
Các con sắp được rước Chúa vào tâm hồn, chắc các con nao nức lắm, phải không? Trong những ngày này, không những Cha Sở, các tu sĩ, giáo lý viên mà cả cha mẹ các con cũng đều quan tâm lo cho các con được chuẩn bị xứng đáng để rước Chúa vào lòng…

Tại sao phải chuẩn bị kỹ và chuẩn bị thế nào?

1. Để hiểu điều này, các con hãy nhìn lại một quãng thời cựu ước:

a. Sách xuất hành kể: Ông Môsê để dân qui tụ ở chân núi Khôrép, tại bán đảo Sinai chờ ông lên gặp Chúa. Chúa đã ban cho ông mười điều răn ghi trên hai phiến đá mỏng, và Môsê cung kính ôm hai phiến đá xuống. Dân chúng thấy ông có bộ mặt uy nghi khác thường; Ông đã truyền lại cho dân tất cả những gì Chúa đã phán với ông. Sau đó, người ta đã quyên góp những đồ trang sức, gỗ quí, vải quí làm một khám đặt bia thánh, rồi làm nhà tạm với màn trướng che rủ chung quanh, không ai được vào nhà tạm này trừ Môsê vào thỉnh ý Chúa và hành lễ thượng tiến; mỗi lần di đi người ta khiêng cả khám và lều trướng đi.

b. Mấy thế kỷ sau, tức thời Vua Salômon. Ông được Vua cha là Đavít trối cho phải xây đền thờ Chúa thật nguy nga để cung nghinh bia thánh Chúa vào đó cho xứng đáng. Sách Các Vua có kể việc xây đền thờ như sau: (1V 5-8)
- Đặt mua gỗ bá hương và trắc diệp tận bên xứ Libăng, phải trả khoảng 200.000 dạ lúa và sai đi 30.000 công nhân thay phiên nhau đốn cây và đem gỗ về.
- 70.000 người khuân vác và 80.000 người đẽo đá trên núi, họ xẻ những khối đá lớn và quí để đặt móng.
- Ông xây đền thờ chiều kích khoảng: dài 30m, rộng 10m, cao 15m, nhưng rất công phu: móng là khối đá lớn, tường cũng bằng các khối đá vuông, bên trong bọc bằng gỗ bá hương.
- Lại thêm Cung thánh và Cung cực thánh, nơi sẽ đặt bia thánh Chúa. Nơi Cung cực thánh thì dát toàn vàng ròng, bàn thờ bằng gỗ bá hương thiếp vàng… ngoài ra còn chạm trổ các thứ Kerubim (vật có cánh) rất công phu tỉ mỉ…
- Đền thờ được xây dựng do các thợ chuyên môn, tài giỏi mà phải 7 năm mới xong.
- Ngày khánh thành người ta giết 22.000 con bò, 120.000 con chiên… cả vua lẫn dân đền tề tựu tế lễ và rước khám giao ước (thập giới) vào Cung cực thánh.

2. Các con thấy gì trong hai câu chuyện trên?

a. Hai tấm bia đá ghi giới răn của Chúa như là giao ước mà người ta coi trọng như chính Chúa. Cũng có lý, vì đó là lời của Chúa, là ý Chúa, là lề luật yêu thương của Chúa dành cho dân riêng của Ngài. Hai tấm bia thánh đã trở thành dấu hiệu của sự hiện diện của Chúa Giavê đối với dân riêng được Ngài yêu thương, nên họ rất kính cẩn đối với bia thánh như kính cẩn với Chúa.

b. Còn thái độ tỏ ra sự kính trọng đối với Chúa thì được diễn tả qua các sự việc:
- Họ hy sinh cả thể lực, vật chất của mình để làm trang trọng nhà Chúa ngự.
- Họ sẵn sàng hy sinh đi đến những nước láng giềng xa xôi kiếm cây quí, lên núi đẽo đá quí về xây một đền thờ có phẩm chất quí giá nhất.
- Họ dùng mọi tài nghệ để xây, để tô điểm làm cho đền thờ nói chung và Cung cực thánh nói riêng trở thành ngai toà xứng đáng nhất cho Chúa ngự.
- Và sau hết: Họ đã giết rất nhiều chiên, cừu, bò làm lễ vật thượng hiến để tỏ lòng mến yêu suy phục.
Tất cả chỉ vì: Thiên Chúa là Đấng cao cả tuyệt đối, loài người có dành cho Ngài mọi sự và hết lòng thì cũng không bao giờ là quá đáng, là dư thừa cả.

3. Vậy bây giờ các con sắp được rước Chúa, rước chính Chúa chứ không phải rước hòm bia đá thánh đâu nghe! Chúng con có thể nào coi thường, không chuẩn bị gì cho tâm hồn xứng đáng tựa như đền thờ của Salomon sao? Thường chuẩn bị đón khách quí, người ta phải làm gì? Dọn dẹp cho sạch nhà, trang hoàng nhà cửa cho đẹp và tiện nghi. Về mặt tâm linh cũng vậy:

a. Dọn dẹp cho sạch: Các con không những phải xét mình xưng tội cho sốt sắng để được Chúa thứ tha mọi tội, mà còn phải quyết tâm “nhổ rễ” những tội các con quen phạm. Để nhổ rễ, phải quyết tâm từ bỏ những thói quen xấu ngay từ bây giờ: chửi thề, nói tục, cãi lộn, trộm cắp, gian dối, nói chuyện trong nhà thờ, làm biếng học, tham ăn, vòi vĩnh cha mẹ… Các con biết đấy: làm cỏ mà chỉ bứt lá đi thôi thì mai mốt nó lại trổ ra um tùm. Phải nhổ cả gốc lẫn rễ thì mới trừ được nó. Tội cũng phải nhổ tận gốc rễ.
b. Các con lại phải trang hoàng tâm hồn mình cho thật đẹp mắt Chúa. Quần ao “mô đen”, bông tai, son kem chẳng làm tâm hồn ra đẹp. Phải trang hoàng bằng những thứ khác cơ: siêng năng đọc kinh dự lễ, hiền hoà với mọi người, chăm chỉ học hành, giúp đỡ bất cứ ai cần mình, vâng lời cha mẹ, ngoan với người trên, thương em út. Cộng tác vào việc họ đạo như: giúp lễ, ca hát trong ca đoàn, quét nhà thờ, làm cỏ, trồng tưới hoa cho đẹp nhà Chúa (nhà thờ).

Thời nay có nhiều đồ giả, đồ dỏm. Mà ai cũng chỉ thích thứ thiệt thôi. Vậy các con cũng đừng dùng đồ dỏm để trang hoàng tâm hồn, nghĩa là chỉ có cái bề ngoài: quần áo, đầu tóc, kem son, mà phải là trang sức đồ thiệt là việc lành phúc đức, hy sinh, hãm mình, cầu nguyện, dự lễ và lòng trong sạch. Hãy làm cho Chúa thật vui khi ngự đến tâm hồn các con dịp rước lễ này.

Bài 5: CHUẨN BỊ TÂM HỒN (1): TRỪ KHỬ TÍNH XẤU


Các con thân yêu!
Các con đã biết, để tỏ lòng kính tôn Thiên Chúa uy linh cao cả, Vua Salomon đã phải bỏ ra bao nhiêu công của để xây dựng đền thờ Giêrusalem nguy nga tráng lệ hiến dâng Ngài. Salomon chỉ rước bia thánh là biểu tượng của Chúa vào đền thánh thôi, còn các con lại sắp rước chính Chúa là Vua cả vũ trụ, Đấng ban bia thánh này. Các con cũng phải chuẩn bị tâm hồn cách nào để xứng đáng tiếp rước Chúa chứ! Việc đầu tiên là phải “khai quang” tâm hồn cái đã, tức là trừ khử mọi tính hư tật xấu khỏi tâm hồn mình.
1. Các con còn nhớ dụ ngôn người gieo giống không? (ai có thể kể được? - Mt 13, 4-9): Có người nông dân đi gieo giống. khi gieo có những hạt rơi dọc đường và chim trời đến ăn mất; những hạt rơi vào đất đá, chỗ đất quá nông, chúng mọc lên nhưng đất không đủ sâu, nắng gắt, chúng chết khô; những hạt khác rơi vào bụi gai, gai vươn lên lấn át làm chúng chết ngộp; còn những hạt rơi vào đất tốt thì phát triển tốt, có hạt sinh 100, 60, 30… hạt giống là Lời Chúa, là ơn Chúa ban… phải rơi vào tâm hồn tốt mới sinh hoa quả phúc, còn nếu lòng đầy gai góc là tính hư tật xấu thì Lời và ơn Chúa ban cũng chết ngộp thôi.

Nhưng gai góc của tâm hồn là bởi đâu? Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn cỏ lùng; (ai kể được? – Mt 13, 24-30): người nông dân đi gieo hạt giống tốt trong ruộng mình, nhưng khi mọi người ngủ thì kẻ thù lén gieo cỏ lùng vào ruộng lúa rồi trốn chạy… Kẻ thù gieo giống xấu đó là ai? – Ma quỉ, cũng có thể nói là thế gian. Dụ ngôn rất thích hợp để hiểu thân phận con người chúng ta: ai sinh ra cũng là mảnh đất tốt, nhất là nhờ Bí tích Rửa tội, miếng đất tốt của tâm hồn lại được Chúa gieo hạt giống tốt, là ơn thánh hoá, là đức tin, là sự sống đời đời, nhưng chính ma quỉ đã lén lút gieo vào lòng chúng ta những hạt giống xấu. Mà giống xấu đã mọc lên, đã um tùm trong tâm hồn ta thì hạt giống tốt Chúa ban cho ta qua phép Rửa tội sẽ bị chết ngạt, nếu không thì cũng èo ọt, chẳng sinh được hoa quả lợi lộc gì. Đã là con người, ai cũng gặp nỗi khó khăn này. Mỗi người đều phải tìm cách nhổ cỏ, khai quang cho hạt giống tốt mọc lên xanh tươi.

2. Những hạt giống xấu ma quỉ gieo vào lòng ta là những thứ gì? Nhiều lắm! riêng đối với tuổi trẻ các con thì thường thấy nhất là những giống này: kiêu ngạo, giận hờn, độc ác, ham ăn uống, không vâng lời, chửi thề, nói tục, ăn gian nói dối, mê chơi, bài bạc.v.v. Các con không thể coi thường những thứ cỏ rác này của tâm hồn. Đừng tưởng nó nhỏ bé không đáng kể. Người Pháp có câu cách ngôn “qui vole un oeuf, volera un boeuf” (ai ăn trộm 1 quả trứng, sẽ ăn trộm 1 con bò). Cỏ rác để lâu càng ngày càng lớn lên, ăn rễ sâu và sinh sản thêm nhiều…làm ngộp ơn Chúa và Lời Chúa, mà sau này có muốn nhổ cũng khó khăn…

3. Bây giờ muốn “làm cỏ” cho sạch tâm hồn, phải làm gì?

- Trước hết các con phải “nhận mặt” những tính xấu của mình. Nhận ra bằng cách nào? Các con hãy để ý những lời nhận xét của người khác về mình thì biết ngay. Ở nhà cha mẹ hay rày mình làm sao? – Không vâng lời? Hay cãi? Trốn đọc kinh? Không giúp đỡ, lì lợm?... Ở trường thầy cô có phê bình không? Lười học, copy bài, cãi lộn đánh lộn, ăn cắp của nhau, chửi thề? Bạn bè chê mình thế nào: nói dối nói gian? Hay giận hờn không đâu? Nói xấu nói hành nhau, hung dữ, ích kỷ? Nói chung mọi người xung quanh có quí mến mình không?, Nếu không thì tại sao?

Các con à, ở đời người ta không khinh dể người nghèo đâu, mà chỉ khinh thường những kẻ mang tính xấu thôi, bạn bè chỉ xa tránh đứa ác tâm khó làm bạn thôi. Cho nên các con cũng dễ biết tính xấu của mình lắm…

- Khi đã biết mình có tính xấu nào thì quyết tâm chừa cải hay sửa đổi, nhất định không lặp lại dù chỉ 1 lần.
Có người tỏ ra quyết tâm bằng cách hằng ngày xét mình và cầu nguyện sốt sắng xin Chúa giúp mình từ bỏ tính xấu, luôn hối hận khi đã trót làm điều gì xấu. Có người tự phạt mình mỗi khi làm điều không tốt: vả vào miệng khi nói tục chửi thề, tự nhéo mình 1 cái thật đau khi lỡ nổi sùng với bạn bè hay làm điều tầm bậy nào đó.

- Việc sửa mình không phải là chuyện dễ dàng mau chóng đâu, mà phải kiên nhẫn dài dài. Người ta kể chuyện Đức Khổng tử: ngài có 2 lọ thuỷ tinh để trên bàn. Mỗi tối xét mình, thấy mình làm được việc tốt nào thì bỏ một hột đậu trắng vào lọ bên tay mặt, còn làm điều không tốt thì bỏ hột đậu đen vào lọ bên trái. Lúc đầu, lọ đậu đen nhiều hơn, nhưng về sau đậu đen ít đi, đậu trắng nhiều hơn, rồi cuối cùng chỉ có đậu trắng không còn hột đậu đen nào nữa. Người ta còn kể chuyện 1 học giả tên là Buffon; ông ta từ nhỏ có tính ngủ nướng, dậy trễ mà không sao sửa được. Một hôm ông gọi anh làm công trong nhà đến và bảo: anh làm sao cho ta dậy đúng 6 giờ sáng thì ta thưởng cho anh 100 francs. Ngay sáng hôm sau, anh đến gõ cửa phòng ông ta, gọi: ông Buffon ơi, dậy đi, 6 giờ rồi! chẳng nghe trả lời dù kêu lớn hơn. Anh ta mở cửa vào phòng lay đầu kêu, ông vẫn như điếc. Anh kéo mền ra, ông ta lại đắp vào. Anh này chơi bạo: cầm 2 chân kéo ông xuống đất. Ông ta lại bò lên ngủ tiếp. Cuối cùng, người làm công vì muốn được 100 francs, đánh liều: lấy 1 xô nước xối lên đầu ông ta rồi bỏ chạy. Ông chủ rượt anh ta, nhưng khi nắm được tay anh làm công, thay vì nổi sùng, ông ta nhét vào tay anh 100 francs. Chuyện đó còn xảy ra vài lần nữa thì hết hẳn. Ông Buffon đã có thêm thời giờ viết sách nhiều hơn trước.

Các con thân mến. Ai cũng phải quan tâm sửa tính xấu của mình để tâm hồn trở nên đền thờ cho Chúa Ba Ngôi ngự, và trở nên người tốt được mọi người yêu thương kính trọng.

Bài 6: CHUẨN BỊ TÂM HỒN (2): THANH TẨY TỘI LỖI TRONG MÁU THÁNH CHÚA


Các con thân yêu!
Nhìn lên bàn thờ khi làm lễ, các con thấy những gì? Chắc ai cũng thấy: Bàn thờ thì trải khăn trắng tinh, giữa bàn thờ có khăn thánh cũng trắng, khăn lau chén thánh cũng trắng. Còn cha làm lễ, tuy áo lễ có màu khác nhau theo ý nghĩa của ngày lễ, nhưng luôn mặc một áo dài trắng bên trong. Tiếng Latinh gọi áo ấy là “Alba” nghĩa là áo trắng. Ngoài ra để khởi sự nghi thức, Chủ tế cùng với giáo dân thống hối tội lỗi bằng cách cùng đọc kinh cáo mình và kinh thương xót. Sau chuẩn bị lễ vật còn rửa tay. Tất cả nói với chúng ta rằng: để đến với phép Thánh Thể, con người phải trong sạch toàn diện, nhất là tâm hồn. Trong sạch là nhu cầu đầu tiên để làm cho tâm hồn thành đền thờ xứng đáng cho Chúa ngự.

1. Tại sao trong sạch lại cần thế?

– Các con học giáo lý đã biết: tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, chống lại ý muốn và tình thương của Chúa. Vậy muốn làm hoà với Chúa thì phải được tha thứ, phải sạch tội.
- Khi các linh mục đọc bài kể sự thương khó của Chúa, thấy Chúa bị trói cột, bị xỉ nhục đánh đập mình đầy thương tích, bị khạc nhổ vào mặt, bị mũ gai đâm chảy máu trên đầu, và cuối cùng phải vác thập giá lên đồi Gôlgôtha và bị đóng đinh treo trên thập giá đó. Suốt 6 tiếng đồng hồ từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, đau khổ cả tâm hồn lẫn thể xác đến tột cùng, rồi mới gục đầu tắt hơi thở. Các con hẳn thấy mủi lòng và tội nghiệp cho Chúa. Nhưng suy cho cùng: bởi đâu mà Chúa phải chịu khổ hình như vậy?
Thưa, bởi tội lỗi loài người, trong đó có tội các con nữa chứ còn bởi đâu khác?

Một trong những hoạ sĩ nỗi tiếng mấy thế kỷ trứơc là ông Rembrandt, người Hà lan, đã vẽ 1 bức hoạ 3 cây thập giá với 3 tử tội trên đồi Gôlgôtha, xung quanh có đám đông đứng ngó lên, ai cũng lộ nét mặt sát khí. Cảnh tượng diễn tả ý tưởng: ai cũng dính líu vào cái chết của Chúa Giêsu. Đặc biệt hơn: trong số những người hùng hổ này, có một bộ mặt giống hệt tác giả. Ông xác nhận có ý vẽ như vậy để tỏ ra chính mình cũng liên can đến cái chết đau thương của Chúa, vì tội lỗi của mình. Người ta khiêm tốn đến thế đấy!

- Các con đừng có trấn an mình rằng mắc tội nhẹ thì không sao. Đành rằng chỉ có tội trọng mới làm ta mất hẳn ơn nghĩa với Chúa, không còn là con cái và không còn hưởng hạnh phúc cùng Ngài. Ta quen gọi nôm na là “mất linh hồn, sa hoả ngục”. Người Âu mỹ gọi tội trọng là “tội chết” (Péché mortel, Mortal sin), nghĩa là phạm tội tới mức này thì linh hồn coi như đã chết trước mặt Chúa rồi. Tuy nhiên, tội nhẹ chưa nặng tới mức tội trọng cũng không hay ho gì. Thí dụ: các con có bạn bè thân thiết, liệu các con có cố tình làm mất lòng nhau, dù chỉ 1 điều nho nhỏ thôi? – hẳn là không rồi. Vậy tội dù nhẹ cũng làm phiền lòng Chúa, cũng hạn chế bớt những ơn lành đáng lẽ Chúa ban, cũng có nguy cơ dẫn đến phạm tội lớn hơn, phạm nhiều hơn. Không lẽ chúng ta lại có thể coi thường tình trạng tai hại đó. Cho nên để được đẹp lòng Chúa nhất, việc đầu tiên là phải thanh tẩy tâm hồn nhờ lòng thống hối và lãnh Bí tích Giải tội.

2. Giả như Chúa đòi những điều kiện khắt khe để được tha thứ, chẳng hạn phải sang tận Rôma xưng tội với Đức Giáo Hoàng, phải chịu nộp phạt nhiều tiền, bị giam giữ lâu… Thì bảo rằng khó là đúng. Đàng này Chúa tha thứ rất dể dàng, chỉ cần có lòng ăn năn hối hận quyết tâm chừa cải là Chúa tha thứ ngay. Câu chuyện người con đi hoang còn nhớ không? – Người cha có 2 con trai. Người em xin chia gia tài để đi xa sống một mình cho tự do. Tưởng thế là hay lắm! Nhưng rồi ăn chơi, cờ bạc chả mấy hồi nhẵn túi. Túng quẫn đành đi chăn heo và phải ăn cả cám heo cho đỡ đói. Lúc đó mới hối hận, quyết tâm trở về xin lỗi cha anh ta, và chỉ mong được làm đầy tớ của Cha mình. Nhưng người cha nhân hậu đã tha thứ hết, vẫn thương yêu như xưa: lấy quần áo mới cho mặc, giày mới cho đi, xỏ nhẫn vào tay và giết bò ăn mừng… Chúa nhân ái với ta cũng như vậy.

3. Bởi đâu mà ta được Chúa Cha tha thứ?

Nếu nói gọn một câu thì: vì Chúa nhân từ. Nhưng phân tích việc Chúa làm thì phải nói: do công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu trên thập giá. Máu Thánh Chúa đổ ra đã một lần rửa sạch tội tổ tông nơi chúng ta, thì bây giờ dù chúng ta có phạm tội thêm, miễn có lòng ăn năn thống hối dốc lòng chừa, thì Máu Thánh Chúa cũng vẫn tiếp tục rửa sạch tội lỗi xấu xa của ta, biến đổi tâm hồn chúng ta nên trong trắng, xứng đáng để Chúa ngự đến viếng thăm.

Chúa tha thứ cho các con rất dễ dàng, điều đó không có ý khuyến khích các con cứ phạm tội “đại đi” rồi lại đi xưng tội nữa. Không phải thế. Đừng quan niệm toà giải tội như cái “ sọt rác”: cứ sống thả dàn rồi lâu lâu “gom tội” lại, đến toà giải tội xả một lần như xả rác! Chủ trương như thế là “giỡn mặt” với Chúa: Xin lỗi rồi lại phạm lỗi, hứa chừa rồi lại không chừa… Xử sự như vậy thì dù chỉ lỗi với cha me, với bạn bè, anh em… cũng chẳng ai muốn tha thêm đến lần thứ hai, thứ ba… Chứ đừng nói là liên tiếp mãi.

Các con thân mến!

Thánh Augustinô khi còn trẻ cũng sống phóng túng lắm, còn tệ hơn chúng ta nhiều. Nhưng một khi được thanh tẩy trong Máu Thánh Chúa Kitô qua Phép rửa tội thì cuộc đời của Ngài thay đổi hẳn: dứt khoát bỏ đường tội lỗi, sống trong sạch, đạo đức, thánh thiện. Ngài còn bỏ cả cuộc sống vinh hoa phú quí trần gian, để chọn đời tu trì nghèo khó, hy sinh hãm mình mà nên thánh. Châm ngôn của Ngài là: “Ông nọ bà kia được, tại sao tôi lại không thể” (Quod isti istae cur non ego?). Các con cũng phải nói như Ngài, và cũng phải nên thánh “cái một” như Ngài. Cha hy vọng sau lần xưng tội đầu tiên này, các con sẽ nên tốt và tốt hơn trước nhiều để lúc nào Chúa Ba Ngôi cũng ngự trong tâm hồn các con.

Bài 7: NHỮNG LỜI CĂN DẶN THỰC HÀNH.


Các con thân mến,
Có lẽ các con  đã được chỉ dạy những điều kiện căn bản để rước Lễ nên, là : sạch tội trọng – giữ chay lòng một tiếng đồng hồ trứơc khi rước Lễ, có ý ngay lành (rước Lễ vì mến Chúa) và ăn mặc đi đứng nghiêm trang. Thiết tưởng cũng phải nhắc lại cho các con một vài chi tiết trong đó, và vài chi tiết khác các con cần phải thực hành ngay.

1. Rước Lễ với ý ngay lành, tức là vì lòng mến Chúa chứ không phải vì khoe quần áo đẹp, mái tóc đẹp, hay để người ta khen là “đứa nhỏ đạo đức”. Mà đã vì lòng mến Chúa, thì khi lên rước lễ, các con phải dọn mình “xin Chúa tha thứ những tội nhẹ, nếu có”, phải giục lòng tin Chúa ngự trong phép Thánh Thể. Khi rước lễ rồi, về chỗ quì gối một lát: tập trung tâm hồn vào Mình Thánh Chúa trong lòng (thường cúi đầu để tránh nhìn xung quanh gây lo ra), đồng thời tỏ tâm tình thờ lạy, yêu mến, biết ơn, cảm tạ và xin những ơn cần thiết

2. Về ăn mặc: ngoài bộ áo đặc biệt ngày rước lễ lần đầu, từ lần sau, chỉ cần ăn mặc sạch sẽ, đoan trang. Không mặc áo thun lót, áo hở từ vai ra. Con trai không được mặt áo để phanh ngực đến tận rốn! phải cài hết nút. Nếu tiện: bỏ áo sơ mi trong quần. Không mặc quần xà lỏn. Con gái không mặc đồ mỏng quá hoặc áo hở cổ sâu, váy đầm quá ngắn. Đồ “tây” hay đồ “ta” đều đẹp cả. Không nên mặc đồ bộ, (đồ ngủ) đi lễ rước lễ, trừ khi nghèo không có quần áo tốt hơn.

a. Đi lên đi xuống theo hàng lối tuỳ thói quen từng nhà thờ. Hai tay chắp lại hoặc khoanh cánh tay trước ngực. Không ngó ngang, ngó dọc, cười cợt. Trước khi được trao Mình Thánh, phải cúi mình chào kính, đáp amen rồi rước lễ. Sau đó xuống liền, không phải cúi chào nữa vì đã có Chúa trong mình.

b. Nếu rước lễ bằng lưỡi thì phải há miệng vừa đủ, đặt đầu lưỡi ngay trên môi dưới. khi lãnh Mình Thánh rồi thì để chút nước miếng thấm vào Bánh Thánh rồi lấy lưỡi cuộn lại, nuốt. Không nên nhai vì Bánh Thánh nhỏ, có thể giắt vào răng hết.

Nếu rước lễ bằng tay thì bàn tay thuận đặt dưới bàn tay kia xoè ra. Nhận Mình Thánh rồi, bước qua một bên (nếu xếp hàng dọc rước lễ) quay lên bàn thờ, tay dưới cầm Mình Thánh bỏ vào miệng. Coi kỹ trên tay còn mảnh vụn nào thì bỏ vào miệng luôn rồi xuống. Khi tay nhơ thì nên rước lễ bằng lưỡi.

c. Thiết tưởng cũng cần hiểu luật “chay lòng” một giờ trước khi rước lễ, là tính đến lúc cha trao Mình Thánh cho mình, chứ không phải đến lúc bắt đầu Thánh lễ. Nếu lễ Chúa nhật có hát, có giảng thì từ đầu đến lúc rước lễ thường lâu chừng nửa giờ, vậy chỉ cần giữ “chay lòng” nửa tiếng trước khi bắt đầu lễ là đủ. Khi hồ nghi không đủ một tiếng đồng hồ (thiếu ít phút) thì cứ rước lễ.

d. Trước khi đi lễ, cũng nên rửa mặt, đánh răng, rửa tay, chải đầu đàng hoàng để cho việc rước lễ được cung kính hơn. Khi cám ơn Chúa (sau rước lễ) nên hứa với Chúa trong ngày sẽ làm một việc tốt dâng kính Ngài, và nhớ cố gắng thực hiện lời hứa đó.
e. Giáo hội khuyến khích ta rước lễ hằng ngày, miễn là giữ đủ điều kiện đã qui định. Nếu trong một ngày ta dự lễ hai lần thì có thể rước lễ trong cả hai lễ đó, vì khi dự lễ, ta không chỉ tham dự vào Hy Tế thập giá thôi, mà còn tham dự vào bữa tiệc thánh nữa.

f. Trong khi cám ơn Chúa, nếu ca đoàn có hát bài kính Thánh Thể, Thánh Tâm… nghĩa là về Chúa Giêsu, thì nên cầm trí hát theo để thờ lạy Chúa với cộng đoàn. Sau lễ, những người có tâm hồn đạo đức thường quỳ lại thêm vài phút để cảm tạ Chúa trước khi ra về.

g. Khi nào dự lễ thấy mình lo ra nhiều, thiếu sốt sắng, uể oải… thì không nên rước lễ. Làm như thế vừa tỏ ra kính trọng Chúa, vừa giúp mình thêm lòng khao khát rước Chúa, nhờ đó có thể lần sau đi lễ sẽ cố gắng dự lễ và rước lễ sốt sắng hơn.

Để kết: Các con hãy nghe Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu kể lại cho mẹ bề trên việc Ngài chuẩn bị rước lễ lần đầu ra sao: “chắc mẹ còn nhớ cuốn sách vừa nhỏ vừa xinh mẹ đã cho con ba tháng trước ngày con rước lễ lần đầu… Cuốn sách đã giúp con dọn mình vừa kỹ vừa mau. Thật ra con đã dọn mình từ lâu rồi, nhưng cuốn sách ấy giúp con thêm lòng sốt sắng và rắc vào lòng con những cánh hoa mới cho Chúa Giêsu đến ngự được vui lòng… Mỗi ngày con làm được rất nhiều việc hy sinh hãm mình, đó là những đoá hoa. Mỗi ngày con giục lòng yêu mến nhiều lần… Đó là những nụ hoa” (thủ bản Tư Thuật)

Các con hãy học gương thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu dọn mình thật trong sạch, thật đẹp đẽ nhờ những bông hoa hy sinh, những nụ hoa tỏ tình mến Chúa nhiều lần trong ngày, chắc chắn Chúa Giêsu sẽ yêu mến các con và  nhất là ban cho các con muôn vàn phước lành của Người.


Bạn hãy Like hoặc Comment để ủng hộ Niềm vui phục vụ nhé bạn nhé .Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ (^_*)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Bai đang học

PHUNG VU GIO KINH

GÍAO HỘI

HỘI ĐỒNG GIÁM MUC

HỘI DONG ĐAMINH TAM HIỆP

SÁCH KINH THÁNH TIẾNG ANH

LOI CHUA TIENG ANH MOI NGAY

ĐÀI CHÂN LÝ

THẮC MẮC VỀ TÔN GIÁO

NHAC LÝ GUITA

SỨC KHỎE

TẢI VIDEO NHANH KHÔNG CẦN PHẦN MỀM

LUYỆN THI TIẾNG ANH

GIẢI TRÍ

HOC ĐÀN

Đăng Ký

Tên

Email *

Thông báo *

Hỗ Trợ Online

Tổng số lượt xem

Lên đầu trang Xuống cuối trang