– KÍNH NHỚ TỔ TIÊN
Một vài năm gần đây, vào dịp cuối
năm, trên mạng có nhiều đoạn clip để nhắc cho mọi người trở về xum họp gia đình
trong dịp tết. Có những đoạn film rất xúc động với hình ảnh cha mẹ già, ngày
ngày đợi con đi làm ăn xa trở về đoàn tụ. Cũng có nhiều lời kêu gọi: Cha mẹ
ngày càng già, hãy trở về xum họp với mẹ cha trong ngày tết. Ngày tết là ngày của
gia đình, ngày xum họp không chỉ với mẹ cha, anh em để bày tỏ lòng thảo hiếu biết
ơn, nhưng người Việt Nam còn tin rằng: Ngày tết cả ông bà tổ tiên, những người
đã khuất cũng trở về gia đình xum họp với con cháu. Ngày nay, xã hội có xu hướng
tổ chức những tụ điểm vui chơi vào đêm giao thừa và mồng một, để kéo mọi người
ra đường đón tết. Việc làm này có lẽ đi ngược lại với truyền thống Việt Nam,
đêm ba mươi và mồng một, mọi người luôn gắn liền với gia đình. Không biết có phải
vì sự thay đổi này dẫn đến sự lỏng lẻo trong tương quan các gia đình ? Bên cạnh
đó, có những người đã trốn tết bằng cách đi du lịch vào đúng ngày ba mươi mồng
một, với lý do cả năm bận rộn, tranh thủ những ngày tết để đi nghỉ ngơi.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa có đăng một
đoạn nhận xét rằng: Ngày tết bỏ nhà đi du lịch không ở với mẹ cha là bất hiếu.
Đoạn nhận xét này đã có phản ứng mạnh từ nhiều thành phần. Có người ủng hộ, có
người phản đối. Người phản đối cho rằng, nhu cầu nghỉ ngơi là cần thiết, đưa cả
gia đình đi chơi cũng là điều hay… Dù đồng tình với nhận xet trên hay không đồng
tình, người ta cũng thấy rằng, mối tương quan gia đình ngày nay đang bị rạn nứt,
tình cảm gia đình bị lỏng lẻo, các giá trì văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia
đình đang bị mai một.
Giáo Hội công Giáo Việt Nam đã đón
nhận những tập tục và những giá trị văn hóa tốt đẹp của truyền thống để đưa vào
phụng vụ ngày tết. Giáo hội dạy giúp chúng ta duy trì và phát triển những giá
trị tốt đẹp về gia đình trong truyền thống văn hóa cho phù hợp với Tin Mừng.
Ngày Mồng một tết, chúng ta hướng về Thiên Chúa là cội nguồn của vũ trụ và sự sống,
để tạ ơn tôn vinh Chúa, cũng như xin ơn bình an cho năm mới. Hôm nay mồng hai tết,
Giáo hội hướng chúng ta về cội nguôn của gia đình để kính nhớ tổ tiên ông bà và
các đấng sinh thành dưỡng dục, đồng thời làm sáng tỏ và vun đắp cho các giá trị
tốt đẹp của đời sống mỗi gia đình.
Bài đọc sách Huấn Ca mời gọi chúng
ta giữ gìn nề nếp truyền thống tốt đẹp của gia đình qua lời văn rất hay: Chúng
ta hãy ca tụng các vị danh nhân cũng là cha ông chúng ta qua các thế hệ, công đức
các ngài không chìm vào quên lãng, dòng dõi các ngài là lũ cháu đàn con. Đọc những
lời dạy của Kinh Thánh trong bầu khí ngày tết, mời gọi chúng ta luôn sống tâm
tình biết ơn đối với ông bà cha mẹ. Các ngài là những người đã dày công sinh
thành dưỡng dục chúng ta nên người hôm nay. Kể sao hết được sự vất vả của người
cha dầm mưa dãi nắng, lo cơm, kiếm gạo về cho gia đình, nuôi cho con khôn lớn;
nói sao cho vừa với sự hy sinh đêm ngày để lo cho con học hành bằng anh bằng chị.
Diễn tả sao hết sự vất vả tần tảo của người mẹ, thân cò lăn lội, mang nặng đẻ
đau, lo cho con từng li từng tí, từng ngày từng giờ. Cho dù con còn nhỏ hay
khôn lớn, thì trong mắt mẹ cha, nó vẫn luôn là đứa bé cần được yêu thương chăm
sóc. Cho dù vất vả truân chuyên trăm bề, mẹ cha không bao giờ kể lể, tính toán
với con cái, các ngài luôn dành cho con lòng bao dung độ lượng. Cho dù con cái
ngỗ nghịch phá phách, làm đau lòng mẹ cha, bất hiếu bất kính với cha mẹ, cha mẹ
vẫn sãn lòng để yêu thương tha thứ và ôm con vào lòng. Vì tất cả những công lao
hy sinh vất vả ấy, phận làm con không bao giờ được phép quên và cũng không bao
giờ được vô ơn bạc hiếu với các ngài.
Cha mẹ không mong đợi gì nhiều nơi
con cái, các ngài chỉ mong muốn được nhìn thấy con cháu lớn khôn, thành nhân,
thành đạt. Niềm vui của cha mẹ ông bà là được nhìn thấy con cái cháu chắt xum vầy,
thấy con cháu yêu thương nâng đỡ lẫn nhau. Không gì đau khổ bất hạnh cho bậc
cha mẹ, khi thấy các con kèn cựa, cãi vã, giận hờn lẫn nhau. Ngày tết là ngày của
xum họp gia đình, các bậc ông bà tuổi cao sức yếu không mong đồng quà tấm bánh,
nhưng chỉ mong được gặp con cháu xum họp và
lấy niềm vui tiếng cười của con cháu, làm niềm vui và hạnh phúc cho tuổi
gìa của mình. Chính vì thế, ngày tết đừng để cha mẹ mòn mỏi đợi chờ, cũng đừng
gây đau khổ cho cha mẹ bằng những chuyện anh em bất hòa, nhưng hãy lấy tình yêu
thương tha thứ để cư xử với nhau, đó là cách đem đế hạnh phúc an vui cho ông bà
cha mẹ.
Thánh Phaolô trong thư Ephesô
khuyên dạy: Các kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, đó là
điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ, đó là điều răn thứ nhất. Cha mẹ chính là những
người cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo dựng và sinh thành, đưa chúng ta
vào đời. Con cái là hoa trái tình yêu của cha mẹ. Mỗi chúng ta được cưu mang
trong tình yêu, nuôi dưỡng không chỉ bằng sữa hoặc cơm bánh, nhưng được lớn lên
trong tình yêu. Vì thế, việc tôn kính vâng lời trong yêu mến, chính là thái độ
đền đáp tình yêu thương cha mẹ đã dành cho chúng ta. Khi tôn kính vâng lời cha
mẹ, là chúng ta tôn kính vâng lời Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa đã cậy nhờ
cha mẹ để sinh thành và dưỡng dục chúng ta. Trái lại bất kính và không vâng lời,
không chỉ là bất hiếu, làm tổn thương đến tình yêu của cha mẹ, mà còn là xúc phạm
đến chính Thiên Chúa.
Ngày nay, con cái dường như được học
hành nhiều hơn thế hệ cha mẹ ngày xưa, hiểu biết nhiều về khoa học và công nghệ
nhiều hơn các ngài, nhưng lại cư xử rất tệ với cha mẹ, khinh chê, bất kính bất
hiếu với cha mẹ. Các ngôi nhà của các gia đình, sang trọng, đẹp đẽ, có đầy đủ
tiện nghi, nhưng dường như không có chỗ cho cha mẹ. Họ sợ cha mẹ già bôi bẩn ra
nhà, sợ hôi nhà, không cho ông bà gần con cháu, vì sợ bẩn, sợ hôi, họ hắt hủi khinh
dể cha mẹ già, chỉ mong ông bà ra khỏi nhà.
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay cảnh
báo về thái độ bất hiếu bất kính nhân danh bất cứ lý do gì, kể cả nhân danh việc
đạo đức. Những người Do Thái ngày xưa đã nhân danh Thiên Chúa để từ chối bổn phận
nuôi dưỡng chăm sóc cho cha mẹ. Họ tự đặt ra một truyền thống cho rằng: Những
người tuyên bố dâng cúng của cải cho Thiên Chúa, thì không phải phụng dưỡng cha
mẹ nữa. Chúa Giêsu đã phản đối và chỉ trích truyền thống vô đạo đức này và lặp
lại giáo huấn của Thiên Chúa: Ngươi phải thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa
cha mẹ sẽ bị xử tử. Khi nhấn mạnh bổn phận thờ cha kính mẹ, có thể nói Chúa Giêsu
nâng bổn phận của con cái thảo hiếu với ông bà cha mẹ, trở thành một đạo, đó là
đạo hiếu, đạo làm người. Ai không chu toàn được bổn phận đạo hiếu, đạo làm người,
thì cũng không thể chu toàn đạo với Thiên Chúa. Cũng vậy, chỉ những ai chu toàn
đạo hiếu với cha mẹ trần gian thì mới có thể biết và chu toàn bổn phận thảo hiếu
với Thiên Chúa là Cha trên trời.
Thưa quý OBACE, tôn kính thảo hiếu,
biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ là điều giáo hội dạy, là đạo lý của người Việt
chúng ta. Tuy nhiên, trong cuộc sống xã hội, chúng ta vẫn còn thấy nhiều cảnh
trái tai gai mắt, khi con cháu đối xử tệ bạc với ông bà, bất hiếu bất kính và
hành hung đánh đập ông bà cha mẹ, là những Đấng bậc sinh thanh dưỡng dục mình.
Chúng ta vẫn thấy những gia đình đông con, nhưng con cháu đùn đẩy bổn phận phụng
dưỡng cha mẹ già, họ tính toán thiệt hơn với ông bà cha mẹ từng đồng. Ngày xưa
cha mẹ đã hết sức kiên nhẫn để yêu thương dậy dỗ chúng ta nên người, không hề
tính toán thiệt hơn, nhưng đến nay dường như con cái lại không kiên nhẫn yêu
thương khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, khi trí khôn trí nhớ các ngài giảm sút.
Cử hành ngày Tết kính nhớ tổ tiên
hôm nay, nhắc mỗi chúng ta biết ơn ông bà cha mẹ của mình và cũng xét lại bổn
phận và lòng thảo hiếu của mỗi chúng ta đối với các ngài. Nếu chưa chu toàn
vuông tròn, thì hãy tận dụng thời gian này, để đền đáp công ơn cha mẹ, vì các
ngài không còn ở với chúng ta lâu nữa. Đồng thời mỗi người cũng cần vun đắp cho
gia đình mình bằng tình yêu, sự quảng đại và tha thứ, để gia đình thực sự đầm ấm
yên vui không chỉ trong những ngày tết mà là suốt đời.
Cầu chúc cho mọi gia đình được được
an vui thuận hòa, con cháu ngoan hiền, gia đình êm ấm và là dấu chỉ lòng thương
xót Chúa cho xã hội hôm nay Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét