CÁI NHÌN CỦA ĐỨC TIN
Hàng năm, cứ vào ngày thứ Năm đầu tháng Hai,
tổng thống Hoa Kỳ tổ chức bữa Ăn sáng Cầu nguyện tại Washington. Năm nay, tân
tổng thống Donal Trump đã phát biểu để ca ngợi niềm tin tôn giáo và bày tỏ sự
kính trọng đối với những người sống đức tin. Ông nói: “Trong khắp đất nước, thật dễ để nhìn ra cái mà chúng ta đã lãng
quên, đó là một thực tế rằng, chất lượng cuộc sống của chúng ta không được
quyết định bởi thành công về mặt vật chất, mà chính là về mặt tâm linh. Tôi xin
được chia sẻ với bạn tại đây : Có những người thành công nhất về mặt vật chất,
nhưng rất nhiều người trong số họ thật đáng thương, thật bất hạnh ; và có rất
nhiều người chẳng có thành công gì về mặt vật chất, nhưng lại có gia đình lớn,
có đức tin. Họ không có tiền, nhưng họ hạnh phúc. Với tôi, tôi phải nói với các
bạn rằng, đó là những con người thành công”.
Ông Trump cũng thể
hiện niềm tin mạnh mẽ của nước Mỹ như sau: “Đối với chúng ta, những con
người đang làm việc tại Washington này, chúng ta phải luôn luôn không ngừng xin
Chúa ban cho chúng ta trí tuệ để phục vụ người dân, tuân theo ý muốn của Ngài.
Đó là lý do tại sao Thượng nghị sĩ Carlson đã cùng các thành viên Quốc hội gửi
tới Tổng thống một nghị quyết chung kêu gọi đưa vào Lời thề nguyện trung thành
của nước Mỹ cụm từ ‘under God’ (nghĩa là: ‘dưới sự bảo trợ của Chúa’). Bởi vì
chúng ta là như vậy, và chúng ta sẽ luôn là như vậy, vì người dân Mỹ muốn chúng
ta là: một quốc gia xinh đẹp dưới sự bảo hộ của Chúa.”
“Chừng nào còn có Chúa, chúng
ta sẽ không bao giờ đơn độc” – Tổng thống
Donald Trump đã khẳng định như vậy trong Bữa sáng cầu nguyện toàn quốc.
Cái nhìn của người
có đức tin luôn khác cái nhìn của người vô thần. Người có đức tin nhìn mọi sự
dưới sự bảo trợ dẫn dắt của Thiên Chúa và chính đức tin giúp họ vượt qua được
những khó khăn thử thách. Đó là điều Lời Chúa hôm nay muốn nói cho chúng ta.
Bài đọc một cho
thấy đức tin của Abraham. Ông đã đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa và để cho Ngài
dẫn dắt tương lai và cuộc đời của mình. Abraham có một cuộc sống ổn định, giàu
có tại thành Ur, Thiên Chúa đã gọi ông: Hãy rời bỏ quê hương, họ hàng và nhà
cửa của cha ngươi mà đi đến đất ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi trở thành
một dân tộc vĩ đại và sẽ chúc phúc cho ngươi. Lời mời gọi của Chúa là lời hứa ở
tương lai, chưa biết bao giờ sẽ ứng nghiệm. Vậy mà, Abraham đã không đắn đo
ngần ngại, ông ra đi như Chúa đã nói với ông, để cho Chúa định liệu tương lai
của ông. Abraham ra đi mà không biết mình đi đâu, không biết phía trước là gì,
ông ra đi vì sự vâng lời và vì sự thúc đẩy của đức tin.
Thiên Chúa đã
không phụ lòng Abraham. Có những lúc Ngài thử thách ông, tưởng chừng như ông
không thể vượt qua, song Ngài lại nâng đỡ ông, ban cho ông sức mạnh. Lời hứa
cho ông một vùng đất làm gia nghiệp và cho ông trở thành cha một dân tộc đông
đúc trở thành sự khích lệ và nâng đỡ ông. Dù chưa được chạm tay vào lời hứa,
nhưng Abraham vẫn tin Chúa sẽ thực hiện và hoàn toàn phó thác tương lai cho
Chúa mà không oán trách hay hối tiếc.
Bài Tin Mừng cho
thấy, đức tin cần thiết để giúp con người đối diện với đau khổ và khó khăn thử
thách. Từ những ngày đầu, các tông đồ đi theo Chúa Giêsu với nhiều mục đích
khác nhau. Các ông nuôi nhiều hy vọng mang tính vật chất, tìm kiếm địa vị, danh
vọng theo kiểu trần gian. Chúa Giêsu đã phải nhiều lần thanh luyện ý hướng của
các ông để các ông có thể đón nhận sự kiện tử nạn thập giá mà Chúa Giêsu sắp
trải qua.
Chúa Giêsu đã dùng
nhiều cách để giúp các tông đồ tin Ngài là Đấng Cứu thế, là Thiên Chúa. Biến cố
biến hình trên ngọn núi cao trước mặt các tông đồ hôm nay nhắm tới mục đích đó.
Trước khi nói với các tông đồ về việc: “Con người sẽ bị người ta bắt, bị hành
hạ và đóng đinh trên thập giá”, Chúa Giêsu đã hé tỏ cho các ông thấy vinh quang
Thiên Chúa ở nơi Ngài. Đưa các tông đồ lên núi cao, Ngài biến đổi hình dạng
trước mắt các ông. Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, y phục trở nên trắng
như ánh sáng, ông Mose và ông Elia hiện ra đàm đạo với Người. Chi tiết này, Tin
Mừng cho thấy, ẩn khuất đàng sau con người của thầy Giêsu, chính là một vị
Thiên Chúa quyền năng. Vì biết trước rằng, cuộc thương khó Chúa Giêsu sắp trải
qua sẽ là một thử thách kinh khủng đối với các tông đồ nên Chúa Giêsu đã muốn
dùng biến cố biến hình để gia tăng lòng tin cho các ông. Một khi tin Chúa Giêsu
là Thiên Chúa quyền năng, các tông đồ có thể đón nhận biến cố thập giá và tử
nạn của Chúa Giêsu với sự bình an, tin tưởng.
Khi chứng kiến
vinh quang của Thầy, các tông đồ ngây ngất trong hạnh phúc. Các ông ước ao kéo
dài mãi giây phút hạnh phúc này, không muốn trở về với thực tế cuộc sống. Vì
thế, Simon Phêrô thưa cùng Chúa: Thưa Thầy, chúng con được ở đây thì tốt quá!
Nếu Thầy muốn, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Mose và một cho
Elia. Thiên Chúa đã không muốn các tông đồ mải mê ngây ngất với hạnh phúc trên
núi, nhưng muốn các ông trở về với hiện tại. Chúa Giêsu không cho các tông đồ
kể lại với ai, để trong sự thinh lặng, các ông suy gẫm về những điều đã nghe và
đã thấy.
Thiên Chúa Cha đã
giới thiệu Chúa Giêsu cho các tông đồ và xác nhận Chúa Giêsu là Con yêu dấu của
Ngài, đồng thời đòi buộc các môn đệ phải vâng nghe lời của Chúa Giêsu. Thiên
Chúa đã có thể cứu con người bằng nhiều cách, nhưng Ngài lại muốn cho Con của
Ngài đến ở với con người, yêu thương và cứu chuộc con người bằng cuộc đau khổ
thập giá và cái chết của Ngài. Là Con yêu dấu của Chúa Cha, Chúa Giêsu đã hoàn
toàn yêu mến và vâng phục thánh ý Cha. Vì thế, nhưng kẻ tin Chúa Giêsu là Thiên
Chúa, cũng phải có thái độ hoàn toàn vâng phục Lời của Ngài trong bất cứ hoàn
cảnh nào.
Từ trên núi đi xuống,
Chúa Giêsu đã giải thích cho các tông đồ rõ hơn về cuộc tử nạn của Ngài và khẳng
định với các ông về việc: Con Người từ cõi chết trỗi dậy. Nói điều này, Chúa
Giêsu đã đưa các tông đồ đi một bước xa hơn trong niềm tin vào sự phục sinh
Ngài sắp trải qua. Quả thật, chỉ sau cuộc phục sinh của Chúa, các tông đồ có
dịp suy gẫm lại các sự kiện đã xảy ra mà chúa cho các ông được thấy, các ông
càng thêm đức tin và trở thành người loan báo đức tin về Chúa Giêsu là Thiên
Chúa, Đấng đã tử nạn và phục sinh.
Theo Chúa Giêsu,
chúng ta không tránh được mọi thử thách, nhưng chúng tin rằng, trong mọi thử
thách, chúng ta không đơn độc, nhưng có Chúa ở bên nâng đỡ và gìn giữ chúng ta.
Những lúc đau khổ, bệnh tật, thử thách liên tục như những cơn sóng vùi dập cuộc
đời, chúng ta đừng hoảng loạn, đừng ngã lòng, vì tin rằng Chúa luôn cho chúng
ta một giải pháp tốt nhất.
Hãy vâng nghe lời
Người, đó cũng chính là điều Chúa Cha muốn nói với từng người chúng ta. Chúa
muốn chúng ta nghe lời của Chúa Giêsu trong vâng phục và yêu mến. Chỉ khi tin,
vâng nghe và đem ra thực hành, chúng ta mới nhận ra được sự an ủi đỡ nâng cũng
như nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố khó khăn của cuộc đời.
Cuộc đời của mỗi
chúng ta luôn phải trải qua vui buồn, sướng khổ, sinh, lão, bệnh, tử, xin cho
chúng ta dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn biết nhìn lên Chúa Giêsu tử nạn và
phục sinh, để xin Ngài thêm đức tin và sức mạnh cho chúng ta vượt qua. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét