CHÚA NHẬT XVIII TN A: | NIỀM VUI PHỤC VỤ

CHÚA NHẬT XVIII TN A:

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017
HÃY ĐẾN MÀ ĂN
Các công ty quảng cáo thường đánh vào tâm lý của người tiêu dùng là ham rẻ, thích đồ được tặng miễn phí. Cách đây ít lâu, tại một cửa hàng Miền Bắc, một công ty thực phẩm của Nhật quảng cáo ăn thử món susi miễn phí. Liền sau đó có hàng trăm người, trong đó có cả những người ăn mặc sang trọng đi xe tay ga, chen lấn cả giờ đồng hồ để được ăn một khoanh susi. Cũng vậy, ở Sài Gòn, một cửa hàng bánh cũng mời mọi người ăn thử với điều kiện phải chở theo con nhỏ. Người ta thấy có hàng trăm phụ huynh chở theo con, xếp hàng nối đuôi nhau cả buổi, để được một cái bánh nhỏ miễn phí. Trong khi đó, nhiều người kêu than bận rộn không có giờ chở con đi lễ.
Hôm nay, Lời Chúa mời gọi mọi người: Hãy đến mà ăn cho no nê, hoàn toàn miễn phí. Lời mời gọi này không phải là lời quảng cáo như các công ty nêu trên là nhằm đánh bóng tên tuổi công ty mình. Nhưng ở đây là lời mời gọi yêu thương giống như của người mẹ mỗi ngày gọi những đứa con đang mải chơi về ăn cơm.
Ăn uống là nhu cầu căn bản của con người, đói khát sẽ làm cho con người suy nhược và chết. Ngoài của ăn vật chất cung cấp cho thân xác có năng lượng hoạt động, con người còn cần lương thực tinh thần, thiêng liêng để nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Thiếu của ăn thiêng liêng, của ăn tinh thần này, con người sẽ bị nghèo nàn, và sẽ bị chết trong đời sống tinh thần và nhất là chết phần linh hồn.
Thiên Chúa là người Cha quảng đại, là người mẹ ân cần, hết sức chăm lo cho con cái. Ngài không đành lòng khi nhìn thấy con người bơ vơ đói khổ. Qua lời tiên tri Isai, Thiên Chúa mời gọi: Đến cả đi hỡi những người đang khát… cứ đến mua rượu, mua sữa mà uống, không phải trả đồng nào. Lời Chúa còn nói rõ hơn, thứ lương thực là rượu, sữa Thiên Chúa ban tặng cho con người sẽ làm thoả mãn mọi cơn đói khát của con người, đói khát thể xác và đói khát tâm linh. Lương thực đo chính là Lời của Chúa, Lời có sức nuôi đưỡng, tăng sinh lực cho kẻ đói khát nhọc nhằn và Lời bảo đảm cho sự sống đời đời. Vì thế, Chúa nhấn mạnh: Hãy chăm chú nghe Ta… Hãy lắng tai và đến với Ta… thì các ngươi sẽ được sống.
Tình thương yêu ân cần của Thiên Chúa trong Cựu Ước nay được thể hiện một cách cụ thể, sống động nơi Chúa Giêsu, vị Thiên Chúa chạnh lòng thương trước những đau khổ đói khát của con người. Tin Mừng Matthew thuật lại, sau một ngày miệt mài với công việc, cả Thầy và trò đều mệt mỏi, muốn tìm một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi. Tuy nhiên khi vừa bước ra khỏi thuyền, thấy một đám đông dân chúng vừa đói thể xác, vừa thiếu thốn tinh thần, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương. Đây là một trong những nhận xét đẹp nhất mà các tác giả Tin Mừng ghi nhận. Họ thấy Thầy Giêsu thực sự đã quặn đau trong trái tim khi thấy những con người bơ vơ đói khổ này. Chúa Giêsu đã không còn quan tâm đến sự mệt mỏi của bản thân, nhưng quan tâm đến sự mệt mỏi của người khác, Ngài tiếp tục chữa lành cho họ.
Khác với Chúa Giêsu, các môn đệ dường như cảm thấy bất lực trước một nhu cầu quá lớn của dân chúng mà các ông không thể đáp ứng. Các tông đồ đã chọn một giải pháp dễ dãi, tránh né: Trời đã muộn rồi, xin Thầy giải tán dân chúng để họ ra về và tự mua thức ăn. Giải pháp này không chỉ là tìm sự dễ dãi, nhưng nó còn thể hiện sự hẹp hòi trong tâm hồn các môn đệ, ngại khó, ngại khổ vì người khác, muốn đẩy trách nhiệm về cho đám đông. Chúa Giêsu đã không đồng ý với suy nghĩ và cách hành xử như thế, Ngài nói: Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn. Chúa muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm không thể thoái thác của người môn đệ, là phải biết chạnh thương, biết đồng cảm với nỗi khổ đau của anh chị em.
Trước một trách nhiệm lớn như thế, các tông đồ cảm thấy dường như bó tay, ngại ngùng, các ông đã thưa với Chúa: Ở đây, chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Tuy nhiên khi các tông đồ sẵn sàng đem đến cho Chúa năm chiếc bánh và hai con cá của mình, Chúa Giêsu đã biến thành một bữa ăn lớn cho hơn năm ngàn người. Chi tiết này cho thấy, chỉ cần các môn đệ của Chúa dám quảng đại hy sinh sự bé nhỏ của mình, hy sinh nhu cầu riêng chính đáng của mình, Chúa sẽ làm nên nhưng việc lớn lao từ những hy sinh bé nhỏ ấy.
Chúa Giêsu cầm lấy bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và môn đệ trao cho đám đông. Chúa Giêsu đã không trực tiếp trao bánh và cá cho đám đông, nhưng Ngài đã trao lại những tấm bánh đã được dâng lên Thiên Chúa với lời chúc tụng, tạ ơn cho các tông đồ để các ông trực tiếp trao tặng đến cho đám đông. Điều này chứng tỏ rằng, Thiên Chúa vẫn đang làm phép lạ qua tay của các tông đồ, Thiên Chúa muốn các ông trở thành những con người phục vụ và biết cho đi. Chúa muốn các ông trở thành cộng tác viên, thành cánh tay nối dài sự chạnh thương của Chúa, đụng chạm đến tâm hồn anh chị em khác.
Với hành động: Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, gợi lên cho thấy cử chỉ của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly. Trong bữa ăn này, Chúa Giêsu cũng cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy sẽ bị nộp vì các con, các con hãy làm như Thầy vừa làm mà nhớ đến Thầy. Như thế, phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no chính là hình ảnh báo trước việc Thiên Chúa sẽ thực hiện một phép lạ lớn lao là dâng tặng chính thịt máu và mạng sống mình làm của ăn của uống nuôi sống nhân loại. Bánh Thần Linh Chúa Giêsu ban tặng trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, sẽ là lương thực nuôi dưỡng cả thể xác và tâm hồn, cứu khỏi mọi thứ khổ đau đói khát. Chúa Giêsu truyền các tông đồ cho tất cả đám đông ngồi xuống trên cánh đồng cỏ, họ được ăn uống no nê: Hình ảnh này gợi lên hình ảnh Chúa Giêsu như một mục tử nhân lành, Ngài dẫn chiên đến nghỉ ngơi trên đồng cỏ xanh, bên dòng suối mát. Chúa Giêsu đã nuôi chiên ăn uống no nê đến dư thừa, không ai còn thiếu đói, cũng không ai còn mệt mỏi bơ vơ nữa.
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn không ngừng mời gọi chúng ta: Hãy đến mà ăn, hãy đến mà uống lương thực bồi bổ thể xác và linh hồn. Qua Giáo Hội, Thiên Chúa vẫn thiết đãi dân Người mỗi ngày. Trong Thánh Lễ, Giáo Hội thừa lệnh Chúa Giêsu dọn ra cho tất cả chúng ta lương thực là Lời của Chúa và Thánh Thể là thịt máu Chúa. Chúa mời gọi chúng ta hãy đến, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bổ sức. Tuy nhiên, nhiều người đã cố tình từ chối lời mời gọi của Chúa hoặc nại vào sự bận rộn để từ chối đến lãnh nhận lương thực và sự trợ giúp của Chúa. Vì thế, dù sống trong Giáo Hội, họ vẫn như những người suy dinh dưỡng, kiệt sức trong đời sống thiêng liêng vì biếng ăn, lười uống.
Ngày nay, nhiều người lo lắng về vấn đề thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất, họ tìm kiếm thực phẩm sạch, an toàn. Nhiều người khác lo tìm các thức ăn thức uống bổ dưỡng, tăng sinh lực, phòng chống ung thư, nhưng lại quên không tìm kiếm thức ăn bổ dưỡng, thức uống tăng lực cho linh hồn, khiến cho đời sống đức tin trở nên èo uột, các thứ ung thư là những đam mê thói xấu đang ngày ngày phát triển, hủy hoại linh hồn.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn tin tưởng và đáp lại lời mời gọi của Chúa, siêng năng lãng nhận lương thực là Lời Chúa và Thánh Thể làm nguồn dinh dưỡng cho linh hồn và thể xác và là nguồn năng lượng cho mọi hoạt động và cả đời sống chúng ta. Amen.
Bạn hãy Like hoặc Comment để ủng hộ Niềm vui phục vụ nhé bạn nhé .Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ (^_*)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Bai đang học

PHUNG VU GIO KINH

GÍAO HỘI

HỘI ĐỒNG GIÁM MUC

HỘI DONG ĐAMINH TAM HIỆP

SÁCH KINH THÁNH TIẾNG ANH

LOI CHUA TIENG ANH MOI NGAY

ĐÀI CHÂN LÝ

THẮC MẮC VỀ TÔN GIÁO

NHAC LÝ GUITA

SỨC KHỎE

TẢI VIDEO NHANH KHÔNG CẦN PHẦN MỀM

LUYỆN THI TIẾNG ANH

GIẢI TRÍ

HOC ĐÀN

Đăng Ký

Tên

Email *

Thông báo *

Hỗ Trợ Online

Tổng số lượt xem

Lên đầu trang Xuống cuối trang