CON CÁI LÀ TRIỀU
THIÊN VÀ LÀ VÒNG GAI CỦA CHA MẸ
Các hiền nhân đã dạy: Con cái là
triều thiên của cha mẹ, điều đó rất đúng. Nhưng con cái không chỉ là triều
thiên mà con cái còn là vòng gai cho cha mẹ nữa. Năm nay, Giáo Hội Việt nam và
Giáo Phận hướng chương trình mục vụ đến việc đồng hành với các gia đình trẻ để đồng cảm và nâng đỡ các gia đình
trong hoàn cảnh có rất nhiều thử thách ngày nay.
Trong Tông huấn Niềm vui Tình yêu,
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phác hoạ một bức tranh chung về các gia đình ngày
nay. Bên cạnh những nét đẹp, những gam màu sáng nơi nhiều gia đình, thì cũng có
vô vàn những mảng tối dày đặc đang bao trùm lên các gia đình, đặc biệt là các
gia đình trẻ. Những thử thách đang thật sự đe dọa hạnh phúc và sự bền vững của
các gia đình, đó là chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỷ, tiền bạc, khoái lạc dẫn tới
sự thiếu khoan dung trong các gia đình. Cùng với sự tấn công từ bên trong, gia
đình còn chịu sự tấn công từ bên ngoài do lối sống vội, sống hưởng thụ, đề cao
tự do…đang làm cho nhiều gia đình không đứng vững (số 33). Cùng với các khó
khăn trong cuộc sống, vấn đề giáo dục con cái đang là mối lo rất lớn của các bậc
cha mẹ. Nhiều người rất lúng túng không biết phải giáo dục con cái như thế nào
và dạy con mình những gì?
Trong hoàn cảnh có rất nhiều khó
khăn thử thách, sự cuốn hút của các khuynh hướng trào lưu sống đang chi phối
các gia đình, Đức Thánh Cha đã đặt một câu hỏi cho các bậc làm cha mẹ: Con cái
chúng ta đang ở đâu? (số 259). Câu hỏi này nhắc các cha mẹ quan tâm nhiều hơn đến
việc giáo dục và định hướng cho con cái. Các cha mẹ muốn con cái mình sau này sẽ
như thế nào, sẽ là niềm vui niềm tự hào, là triều thiên cho cha mẹ, hay chúng sẽ
là sự đau khổ tủi nhục và là vòng gai trên đầu cho cha mẹ?
Tông huấn cũng gợi lên một số
nguyên tắc trong việc giáo dục con cái, quan trọng hơn hết là giáo dục bằng
tình yêu thương. Giáo dục bằng tình yêu thương không có nghĩa là nuông chiều,
chăm bẵm quá mức, biến con cái thành những con gà công nghiệp hoặc những cậu ấm
cô chiêu. Ngày nay, dường như cha mẹ không thể kiểm soát được con của mình ngay
khi chúng ở trong nhà và nhất là khi chúng ra khỏi nhà. Khi còn nhỏ ở trong
nhà, nhiều cha mẹ đã hoàn toàn trao phó con mình cho tivi, Iphone và Ipad, từ
đó biến những đứa con trở thành như một cỗ máy vô cảm, hoặc tự kỷ. Cha mẹ không
thể biết con mình khi ra khỏi nhà, chúng đi đâu, chơi với ai, chơi trò gì và hậu
quả sẽ như thế nào?…Dường như cha mẹ không thể quản lý được con nữa. Cần phải có
một phương cách giáo dục xa hơn, đó là giúp con cái có khả năng đương đầu với
những thay đổi của xã hội, giúp cho con có khả năng yêu thương, lớn lên trong tự
do và trưởng thành đích thực. Những khả năng này giúp chúng cân nhắc và hành động
cách khôn ngoan đúng đắn trong những hoàn cảnh khác nhau và trước những cám dỗ
của xã hội. Quan trọng hơn nữa, cha mẹ phải tạo được một bầu khí thật ấm cúng
yêu thương gần gũi trong gia đình, vì gia đình chính là điểm tựa và cũng là động
lực giúp con cái vượt qua các khó khăn. Cha mẹ cần phải hiểu biết, lắng nghe và
thông cảm với con cái, đừng để công việc và những lo lắng riêng của cha mẹ, sự
nóng nảy và lớn tiếng khiến cho con cái sợ hãi, xa lánh cha mẹ và muốn trốn
thoát khỏi gia đình. Cần làm sao để gia đình là nơi mọi thành viên đều muốn trở
về nghỉ ngơi và cảm nhận được tình yêu thương sẻ chia sau một ngày mệt mỏi với
cuộc sống.
Một trong những yếu tố quan trong
nhất đó là giáo dục đạo đức cho con cái. Có nhiều cha mẹ sai lầm khi
trao phó hoàn toàn con mình cho nhà trường hoặc cho người khác mà quên rằng,
chính gia đình là ngôi trường và cha mẹ là thày cô đầu tiên cho con cái. Nhà
trường và các thầy cô chỉ có thể cung cấp cho con cái chúng ta kiến thức khoa học
xã hội, họ không thể cung cấp hoặc huấn luyện đời sống đạo đức cho con chúng ta
được. Con cái cần phải được hít thở, được nuôi dưỡng trong bầu khí đạo đức của
gia đình, đồng thời cha mẹ là người gieo trồng những hạt giống đạo đức đầu tiên
vào tâm hồn con cái bằng đời sống gương sáng của cha mẹ. Chính nền tảng đạo đức
từ nơi gia đình sẽ giúp con cái có thể phân định được điều tốt điều xấu, điều
nên làm và không nên làm. Dù là gia đình mới hoặc gia đình lâu năm, cha mẹ cũng
cần phải tạo lập gia đình mình một nếp sống đạo đức cố định qua các việc dâng lễ,
đọc kinh sáng hoặc chiều, cùng với việc thường xuyên lãnh nhận các bí tích, nhất
là bí tích Giải Tội và Thánh Thể. Những việc đạo đức của gia đình sẽ từng ngày
thấm sâu và tạo nên suy nghĩ, thói quen, nề nếp đạo đức cho con cái, giúp con
cái có thể vượt qua các thử thách và cám dỗ.
Tin Mừng Luca đặc biệt mời chúng ta
noi gương giáo dục đời sống đạo đức con cái của Giuse và Maria. Giống như bao
gia đình trẻ khác, gia đình của Giuse và Maria cũng gặp rất nhiều khó khăn
trong những năm đầu của cuộc hôn nhân. Trước khi về chung sống với nhau đã có
những chuyện khó xử vì Maria mang thai, cuộc hôn nhân của họ tưởng là tan vỡ. Nhưng
vì có một đời sống công chính đạo đức, hai người đã vượt qua thử thách ban đầu,
họ về chung sống với nhau hạnh phúc. Kế đến là khó khăn từ bên ngoài: trong lúc
gia đình riêng chưa ổn định, kinh tế còn khó khăn, Maria đang mang thai… hai
ông bà đã phải trở về quê, không phải để ra mắt họ hàng, nhưng là để kê khai hộ
khẩu. Maria đến ngày sinh, họ đã phải sinh con trong một chuồng bò hết sức tồi
tàn. Vậy mà hai ông bà vẫn vui vẻ, bình an, hạnh phúc cùng nhau vượt qua.
Tin Mừng cho thấy chính nếp sống và
thói quen đạo đức đã giúp gia đình Giuse Maria có thể vượt qua những khó khăn
thử thách. Trong hoàn cảnh về quê còn rất thiếu thốn, vậy mà hai ông bà vẫn chu
toàn các việc đạo đức mà lề luật đã quy định. Sau khi sinh được tám ngày, họ
cùng nhau đem con lên đền thờ Giêrusalem dâng cho Thiên Chúa, làm phép cắt bì
cho con, làm lễ thanh tẩy cho mẹ, hai ông bà còn dâng một của lễ đơn thành là một
cặp chim câu. Điều đó chứng tỏ rằng dù trong hoàn cảnh nào, đối với Giuse và
Maria, việc đạo đức và chu toàn bổn phận với Chúa vẫn là ưu tiên trước hết và
trên hết mọi công việc.
Tại đền thờ, những lời tiên báo của
cụ già Simeon: Con trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người trong Israel ngã xuống
hay đứng dậy, là dấu hiệu để người ta chống đối. Còn bà, một lưỡi gươm sẽ đâm
thấu tâm hồn bà. Lời tiên báo này vừa là niềm vui hãnh diện và cũng là lưỡi
gươm đâm thấu tâm hồn cả hai ông bà Giuse Maria ngay từ ngày ấy. Tuy nhiên, những
lo lắng từ lời tiên báo không làm cho hai ông bà Giuse Maria hoang mang hoảng sợ,
vì các ngài có một tâm hồn bình an bởi đã đặt trọn niềm tin phó thác nơi Chúa.
Sự bình an thanh thản ấy được thể hiện qua câu cuối của bài Tin Mừng: Khi đã
hoàn tất mọi việc như luật Chúa truyền, hai ông bà trở về Nazareth. Còn Hài Nhi
ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng
Thiên Chúa. Lời kết này còn cho thấy sự khôn lớn về thể lý và nhân đức của Hài
Nhi Giêsu mà chắc chắn là được nuôi dưỡng bởi tình yêu thương, sự hy sinh và nếp
sống đạo đức từ nơi cha mẹ của Người.
Mừng lễ Thánh Gia, các bậc làm cha
mẹ được mời gọi điều chỉnh lại đời sống theo gương gia đình Giuse Maria; nuôi
dưỡng con cái không chỉ bằng cơm bánh, mà còn bằng tình yêu thương và nếp sống
đạo đức của cha mẹ. Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Vì thế, các bậc cha mẹ dù
có bận rộn tìm kiếm cơm áo gạo tiền, cũng đừng quên điều quan trọng và cần thiết
là để lại cho con nếp sống đạo đức. Vì đó là nền tảng vững chắc cho đời sống của
mỗi người.
Chúng ta cùng với các gia đình mừng
kỷ niệm ngày thành hôn hôm nay, cùng chung lời tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho họ
sống đời gia đình (5,10,15,25, 50 năm). Dù trải qua nhiều sóng gió nhưng Chúa vẫn
gìn giữ họ đến ngày hôm nay. Tạ ơn Chúa vì vợ, chồng, con cháu và gia đình là
quà tặng của Thiên Chúa. Xin cho các gia đình này biết trân trọng món quà sống
động Chúa ban và làm cho món quà này ngày càng thêm giá trị trước mặt Chúa và
trước mặt mọi người. Xin cho các gia đình này cũng biết tiếp tục xây dựng gia
đình mình bằng đời sống đạo đức để gia đình luôn mãi hạnh phúc và bình an. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét