CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG
Trong tác phẩm “Để gió cuốn đi”
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đặt một câu hỏi: “Sống
trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không?” Nhạc sĩ đã
trả lời: “Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”.
Có người thắc mắc tại sao lại cần có một tấm lòng để gió cuốn đi như vậy? Có lẽ,
nhạc sĩ họ Trịnh này muốn dùng hình ảnh “gió
cuốn đi” không phải là một cơn bão xóa sổ một ngôi làng, nhưng đây là một
cơn gió mát giữa trưa hè oi bức, một ngọn gió thu lúc buổi sớm, mang theo hương
cau, mùi lúa mới, làm nhẹ lòng người, khiến lòng con người cảm thấy thanh thản
và yêu cuộc sống hơn. Như thế, theo Trịnh Công Sơn, tấm lòng chân thành là điều
cần thiết giúp lòng người có thể gặp nhau và làm vui lòng nhau.
Thiên Chúa khi dựng nên con người, Ngài ban cho con người có một dáng vẻ
bên ngoài và một thế giới bên trong được gọi bằng ngôn ngữ bình dân đó là lòng người. Thế nhưng, không phải lúc
nào dáng vẻ bên ngoài của một người cũng đồng nhất với cái lòng bên trong. Có
nhiều lúc, bên ngoài có vẻ thành thật nhưng cái lòng lại gian dối, bên ngoài có
vẻ tươi cười vui vẻ, nhưng lòng lại đau thắt. Ngược lại, có những lúc trong
lòng rất yêu rất thương, nhưng bên ngoài lại tỏ ra giận dỗi. Thông thường, người
ta thường lấy cái vẻ bên ngoài, để che đây cái lòng bên trong. Nhưng khi có một
tấm lòng thành, lòng thật, thì sự thành thật sẽ thể hiện ra bên ngoài qua ánh mắt,
cử chỉ lời nói. Khi có một người tấm lòng thành, người khác sẽ dễ dàng cảm nhận
được điều đó qua các cử chỉ bên ngoài.
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt cả bên ngoài lẫn trong lòng của mỗi người.
Ngài thấu tỏ từ ý nghĩ, lời nói và tấm lòng của con người, cho dù con người
chưa tỏ lộ ra bên ngoài. Thiên Chúa muốn mỗi chúng ta đến với Chúa và sống với
Chúa, bằng một tấm lòng thành thật
chứ không chỉ là những hình thức bên ngoài. Chúa muốn chúng ta làm việc tốt với
một tấm lòng tốt, không tính toán, không gian dối, Chúa cũng muốn chúng ta đối
xử với nhau bằng tấm lòng chân thành, không hình thức, không chiến thuật. Câu
chuyện Tin Mừng hôm nay cho thấy, những người Biệt Phái đã sống và thực hành đạo
chỉ có hình thức bên ngoài mà không có tấm lòng bên trong, họ đến với Chúa bằng
áo quần lượt thượt và nghi lễ dài dòng, nhưng lại không có tấm lòng. Những người
Biệt Phái trách Chúa Giêsu và các môn đệ không rửa tay trước khi ăn theo tập tục
của tiền nhân. Việc rửa tay của người Do Thái không phải là việc giữ vệ sinh
như ngày nay, nhưng là một nghi lễ thanh tẩy. Tuy nhiên, do trở thành thói
quen, người Do Thái không còn biết mình rửa tay trước khi ăn để làm gì. Chúa Giêsu
đã trách họ, vì họ chỉ còn hình thức mà không có nội dung, giữ các tập tục,
hình thức bên ngoài mà không có tấm lòng. Chúa muốn đưa họ trở về với ý nghĩa
đích thực của tập tục này, đó là việc thanh tẩy bên ngoài, rửa tay rửa bình, nhắc
cho mỗi người phải không ngừng tẩy rửa lòng mình khỏi mọi thói quen xấu từ bên
ngoài và thanh tẩy những vết nhơ tính xấu và tội lỗi từ bên trong. Chúa Giêsu đã trích lời tiên tri Isaia cảnh cáo
lối sống giả dối của họ: “Dân này tôn
kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa ta”. Hơn nữa, Chúa còn cảnh
cáo lối sống hai lòng hai dạ của họ: Thay vì những Biệt Phái và Luật Sĩ phải có
bổn phận dạy cho dân chúng Lời và Ý của Chúa thì họ lại không làm như vậy. Họ
đã khéo đánh tráo vào công việc và lời nói của mình, thay vì nói Lời của Chúa,
họ lại nói lời của họ; thay vì làm việc làm của Chúa, họ lại làm việc theo ý
riêng cá nhân và dạy người khác làm. Họ đã đánh tráo cả vị trí của Thiên Chúa để
thay thế mình vào chỗ của Thiên Chúa.
Điểm thứ hai Chúa trách các Biệt Phái về lòng gian của họ. Họ đã bẻ quẹo
Lời Chúa để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Luật Chúa đòi mọi người phải thờ cha
kính mẹ, hết lòng thảo hiếu phụng dưỡng các Ngài nhất là khi tuổi già sức yếu.
Tuy nhiên, các Luật Sĩ lại mượn Thiên Chúa để bẻ quẹo luật Chúa, khi họ dạy người
khác rằng: Ai tuyên bố dâng cúng tất cả tài sản của mình cho đền thờ, thì không
phải nuôi dưỡng phụng kính cha mẹ nữa. Như thế, có nhiều kẻ không muốn phụng dưỡng
cha mẹ, kẻ ấy chỉ cần tuyên bố sẽ dâng hết tài sản cho Chúa. Chắc chắn Chúa
không chấp nhận của lễ dâng cho Ngài từ một kẻ bất hiếu như thế. Chúa cũng
không muốn một cái lòng gian dối, quanh co, luồn lách trách nhiệm như vậy. Chúa
mong muốn, trước hết mỗi người phải có một tấm lòng thành đối với cha mẹ
và lòng trung đối với Thiên Chúa, không thể bỏ qua bên nào, cũng không
thể chỉ chọn một trong hai. Đồng thời, Chúa cũng không chấp nhận con người tìm
cách thay thế luật Chúa bằng những tập tục gian dối của mình, hoặc chỉ chú trọng
đến tập tục truyền thống mà làm lu mờ luật Chúa. (Dựa theo ý bài chia sẻ của Đức Cha Giuse ngày thường huấn 06/2/2018)
Ngày mồng hai tết, Giáo Hội nhắc chúng ta nhớ đến bổn phận thảo hiếu với
ông bà tổ tiên. Việc nhớ đến ông bà tổ tiên cũng phải đặt trên một tấm lòng
thành. Lời Chúa hôm nay soi rọi cho Chữ Hiếu của người Việt Nam, việc hiếu thảo
phải được thể hiện một cách đặc biệt qua các dịp lễ tết, bằng việc trân trọng
gìn giữ nét đẹp truyền thống của gia đình. Kế đến, là việc thảo kính vâng lời
và làm vui lòng các bậc sinh thành và tiền nhân.
Bài đọc một khuyên chúng ta: “Hãy
ca tụng công đức của các bậc tiền nhân vì bao công lao khó nhọc và phúc ấm các
ngài để lại cho con cháu”. Hãy gìn giữ và làm phát huy những giá trị tốt đẹp,
là tài sản quý giá mà cha ông để lại. Gần đây, có một vài tiến sĩ đề nghị bỏ
cái tết cổ truyền, với lý do là nghỉ tết nhiều, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế. Nói
như thế chứng tỏ, những nhà tiến sĩ này đã quên các giá trị đạo đức gia đình,
truyền thống và văn hóa dân tộc, để chỉ nghĩ đến tiền (kinh tế). Ngày tết không
đơn thuần là ngày nghỉ, vì ngày tết còn là ngày mỗi người có thể đụng chạm đến
hồn dân tộc và cảm nhận được văn hóa lâu đời của một dân tộc, là dịp để mọi người
sống, cảm nhận và vun đắp cho truyền thống gia đình. Vì vậy, không có ngày nào
trong năm mà mỗi người cảm thấy thiêng liêng, quan trọng như đêm ba mươi và
sáng mồng một tết. Cũng vì sự thiêng liêng quan trọng này, mà cha mẹ ở nhà mong
con cháu về xum họp, mọi người đi xa đều mong về đến nhà, để xum họp với ông bà,
mẹ cha và nhất là để thắp cho ông bà, tổ tiên một nén hương, thể hiện tấm lòng
thảo hiếu biết ơn. Như thế, có bài học biết ơn nào hay hơn bài học thực tế này
trong ngày tết; có tình cảm nào thiêng liêng, ấm cúng cho bằng tình cảm của gia
đình xum họp trong ngày đầu năm. Chính trong dịp xum họp đầu năm này, mà các
giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình được lưu truyền cho con cháu. Cha mẹ,
ông bà hạnh phúc vì con cháu thành đạt, xum họp đông đủ, con cháu tự hào, trân
trọng, duy trì và làm phát huy truyền thống gia đình. Tuy nhiên, lòng thảo hiếu
biết ơn, tình cảm gia đình, cuộc xum họp ngày xuân chỉ thực sự trở nên có ý
nghĩa, khi mỗi người trở về với mẹ cha và gia đình bằng một tấm lòng thành. Thiếu
tấm lòng thành, sự thảo hiếu chỉ còn là hình thức, thiếu tấm lòng, ngày xum họp
gia đình, anh em chỉ còn là một màn kịch, bằng mặt mà không bằng lòng. Có nhiều
gia đình ngày tết cha mẹ anh em gặp nhau mà không mừng, gần nhau mà không quý,
còn có sự hiện diện của cha mẹ, anh em mà không biết trân trọng.
Thư Ephêsô dạy chúng ta duy trì bầu khí ấm cúng, truyền thống của gia
đình mọi ngày trong đời sống bằng cách: “Hãy
vâng lời và thảo hiếu cha mẹ, để ngươi cũng được trường thọ trêm mặt đất này”.
Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi
cho, thảo hiếu cha mẹ trước hết bằng sự tôn kính và vâng lời các ngài, vì
các Ngài thay mặt Chúa, cộng tác với Chúa để sinh thành, nuôi dưỡng dạy dỗ và
yêu thương chúng ta. Vì vậy, đạo làm con là phải biết vâng nghe lời dạy của mẹ
cha, vì các ngài luôn muốn điều tốt và làm điều tốt cho ta. Ta yêu mến kính trọng
các ngài, đừng hắt hủi khinh dể khi các ngài tuổi cao sức yếu, vì các ngài đã một
đời hi sinh vất vả cho ta ngày hôm nay và vì các ngài hết mực yêu thương không
tiếc gì với ta. Nay cha mẹ tuổi cao, ta có bổn phận phải làm cho tuổi già của
các ngài được an vui hạnh phúc. Đừng khi nào tỏ ra bội nghĩa vong ân, hỗn láo
hay cử xử tệ bạc với cha mẹ vì đó là điều đáng bị nguyền rủa và bị Thiên Chúa kết
án.
Lời Chúa ngày tết hôm nay nhắc cho những người đang lơ là với cha mẹ và
gia đình, cần biết điều chỉnh lại lòng mình. Gạt bỏ những gì là ấm ức tức tối,
bất hòa bất đồng, những gì là bằng mặt mà không bằng lòng, để vun đắp lại tình
nghĩa gia đình và tình cảm mẹ cha anh em. Vì, các thứ khác trên đời này có thể
mua bằng tiền, nhưng cha mẹ, anh em và hạnh phúc gia đình không thể mua bằng tiền,
mà phải đổi bằng hy sinh có khi là của cải, kể cả công danh sự ghiệp mới có được
thứ hạnh phúc ấy - hạnh phúc gia đình.
Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét