LÒNG THƯƠNG XÓT
CHÚA ĐỔ TRÀN TRÊN GIÁO HỘI
Kính thưa quý OBACE, chúa nhật thứ hai mùa phục sinh hằng năm đã được Đức
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn làm ngày lễ tôn kính Lòng Thương Xót của
Chúa. Vì, các bài đọc hôm nay nhấn mạnh cách đặc biệt đến việc Chúa Giêsu Phục
Sinh thể hiện lòng thương xót của Ngài qua các tông đồ và giáo hội sơ khai, như
người cha ân cần lo cho con cái, giúp cho Giáo Hội lớn lên cả về đời sống đức
tin và đời sống vật chất.
Bài Tin Mừng cho thấy Chúa Phục Sinh lo lắng cho các tông đồ và củng cố đức
tin cho các ông, để sau này, các ông trở thành những người xây dựng đức tin nơi
các cộng đoàn. Chắc chắn, biến cố thập giá đã khiến cho đức tin của các tông đồ
vô cùng chao đảo. Nhiều năm đi theo Chúa, tin Chúa là Đấng quyền năng, vậy mà,
trước mắt các ông, Thiên Chúa dường như chịu thua trước thế lực của sự dữ. Ngài
đã bị bắt, bị người ta hành hạ, bị giết chết bằng cái chết kinh hoàng trên thập
giá mà chính các ông đã chôn táng Ngài. Điều này khiến đức tin của các ông bị
giằng co: Thầy Giêsu có phải là Thiên Chúa quyền năng không?. Các tông đồ dường
như rơi vào tuyệt vọng vì nhiều năm theo Thầy Giêsu, giờ đây dường như đã chấm
dứt không có kết quả. Thêm vào đó là nỗi sợ hãi vì những kẻ hung hãn tìm cách
tiêu diệt những người có liên hệ với Chúa Giêsu. Nhiều người khác thì nhìn các
tông đồ bằng con mắt khinh miệt vì có liên quan đến một tử tội.
Chúa Giêsu Phục Sinh thấu hiểu tâm trạng của các tông đồ. Vào buổi chiều
ngày phục sinh, Chúa đã hiện ra với các tông đồ và nói với các ông: “Bình an cho các con!”. Ơn bình an là ơn
mà lúc này, các tông đồ đang rất cần để có thể vượt qua được thử thách trong cuộc
sống và trong đức tin. Để củng cố lòng tin của các ông, Chúa Phục Sinh đã cho
các ông xem tay và cạnh sườn của Chúa, đụng chạm đến các dấu vết yêu thương của
Ngài. Điều này giúp các tông đồ vượt qua được những hoang mang nghi ngờ. Sau đó
một lần nữa, Chúa Giêsu lặp lại: “Bình an
cho anh em! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Có thể nói, lần thứ
nhất khi ban bình an cho các tông đồ, Chúa giúp các ông lấy lại được sự thăng bằng
trong tâm hồn, còn lần thứ hai này, ơn bình an của Chúa Phục Sinh, giúp các
tông đồ mạnh dạn thực hiện mệnh lệnh Chúa sai đi.
Cùng với mệnh lệnh sai đi, Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các ông, ban Thánh Thần và ban quyền cho các ông nhân
danh Chúa để tha thứ. Hơi thở của Chúa Phục Sinh, chính là hơi thở tái tạo các
tông đồ, biến đổi các ông từ tình trạng chết chóc, tê liệt chuyển sang sống động,
từ con người cũ được Thánh Thần biến đổi thành con người mới, từ những con người
nhút nhát thành những con người can đảm. Đặc biệt hơn, cùng với Thánh Thần, các
tông đồ được trao phó sứ mạng yêu thương và tha thứ. Qua việc tha thứ , các
tông đồ trở thành những người diễn tả và nối dài lòng thương xót của Thiên Chúa
cho thế giới. Ơn tha thứ chính là món quà cao quý nhất của lòng thương xót mà
Chúa Phục Sinh đã ban cho nhân loại.
Tình thương của Chúa Phục Sinh không phải là một sự quan tâm chung chung.
Trái lại, đó là tình yêu thương cụ thể, cá biệt cho từng người. Tin Mừng Gioan
kể về trường hợp của Tôma: “Vào chiều ngày Phục Sinh, Chúa hiện ra với các tông
đồ, lúc đó không có mặt Tôma”. Có lẽ nỗi đau từ biến cố tử nạn thập giá của
Chúa đã khiến ông hoàn toàn thất vọng, ông bỏ anh em để tự mình đi tìm câu trả
lời về việc Chúa đã sống lại. Sự thất vọng của ông dường như đi đến cực đoan đến
độ ông đòi hỏi: “Nếu tôi không thấy dấu
đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ tay vào lỗ đinh, không đặt bàn tay vào cạnh
sườn Người thì tôi không tin”. Câu nói của Tôma khiến cho nhiều người cho rằng
ông cứng lòng, nhưng thực ra câu nói này thể hiện một tâm hồn vẫn còn khao khát
được đụng chạm đến Chúa Phục Sinh, như các anh em tông đồ khác đã được nhìn thấy
dấu đinh.
Chúa Phục Sinh đã thấu hiểu tâm trạng đáng thương của Tôma, Chúa đã đáp ứng
sự khao khát trong ông. Tám ngày sau, Chúa hiện ra với các tông đồ, Ngài cũng
ban bình an cho các ông, cách riêng cho Tôma. Chúa Giêsu đã mời gọi Tôma xỏ
ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa. Chúa cho ông được tiếp
xúc đụng chạm tới Chúa, từ đó Tôma đã có một kinh nghiệm đức tin hết sức đặc biệt.
Lòng thương xót Chúa dành cho Tôma đã hoàn toàn biến đổi con người ông. Ông đã
tuyên xưng: “Lạy Chúa của tôi! Lạy Thiên
Chúa của tôi!” Ông tuyên xưng Đức Giêsu không chỉ là Thầy, mà là Chúa là chủ,
là Thiên Chúa Đấng tổ tiên ông tôn thờ.
Chúa Giêsu đã đón nhận lời tuyên xưng của Tôma, nhưng Chúa nói thêm: “Vì con đã thấy Thầy nên con tin. Phúc cho
những ai không thấy mà tin”. Lời chúc phúc này là lời chúc phúc Chúa dành
cho tất cả mọi tín hữu sau các tông đồ. Tất cả các tín hữu đều không được thấy
những lần Chúa hiện ra, cũng không được đụng chạm đến vết đinh nơi Chúa Giêsu,
nhưng chúng ta vẫn tin Chúa đã sống lại nhờ lời chứng của các tông đồ.
Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy quyền năng của Chúa Phục Sinh hoạt động
cách mạnh mẽ nơi các tông đồ, khiến các ông miệt mài đi khắp nơi để loan truyền
Tin Mừng vĩ đại này cho muôn dân. Cũng vậy, các tín hữu sơ khai đã đón nhận niềm
tin Chúa Phục Sinh và được Thánh Thần của Chúa quy tụ thành một dân mới, một
dân đã được biến đổi nhờ sức sống và quyền năng của Chúa Phục Sinh ban cho.
Sách Công Vụ kể lại: “Các tín hữu sống đồng tâm nhất trí nên một với nhau
trong cùng một đức tin”. Họ không coi thứ gì là của riêng, nhưng mọi sự đều là
của chung. Họ sống tình bác ái chia sẻ với nhau, không để ai trong cộng đoàn phải
thiếu thốn. Họ đem tiền bạc của cải đặt dưới chân các tông đồ, để các ông phân
phát cho những người có nhu cầu. Một vài phác họa như thế cho thấy các cộng đoàn
giáo hội sơ khai được gọi là các cộng đoàn phục sinh, vì họ sống sức sống của
Chúa Phục Sinh. Họ làm cho lòng thương xót của Chúa được lan tỏa cách cụ thể đến
với từng người.
Thưa quý OBACE! trong đời sống, nhiều khi chúng ta cũng gặp thử thách
trong đức tin, nhất là khi đối diện với đau khổ, sự chết. Có những lúc thử
thách dường như quá sức chịu đựng, chúng ta cũng rơi vào tình trạng tuyệt vọng
và thách thức Chúa như Tôma. Tin Mừng hôm nay khẳng định rằng: Chúa Phục Sinh
không bỏ rơi Giáo Hội và cũng không bỏ rơi bất cứ thành viên nào trong Giáo Hội,
Ngài luôn hiện diện kịp thời để nâng đỡ cho sự yếu kém của chúng ta, chỉ có điều
chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài hay không mà thôi. Chúa Phục Sinh vẫn
hằng ở bên chúng ta, chúng ta có thể tiếp xúc, đụng chạm đến Ngài. Bí Tích
Thánh Thể là sự hiện diện nâng đỡ của Chúa giúp chúng ta vững bước trên hành trình
theo Chúa. Nơi Bí Tích Thánh Thể, chúng ta không chỉ được đụng chạm mà còn được
đón rước Ngài vào cư ngụ trong tâm hồn và gia đình mình.
Lòng thương xót của Chúa vẫn đang được ban tặng cho chúng ta nơi Bí Tích
Giải Tội. Nơi đây, chúng ta được cảm nhận, được đụng chạm đến trái tim yêu
thương và sự tha thứ của Chúa. Cũng chính nơi Bí Tích Giải Tội, chúng ta đón nhận
được ơn bình an của Chúa Giêsu phục sinh, ơn mà Ngài đã ban cho các tông đồ,
khiến tâm hồn các ông được tái sinh, đổi mới.
Cộng đoàn giáo hội sơ khai ngày xưa vẫn là gương mẫu cho chúng ta ngày
nay. Chúng ta sống trong Giáo Hội, và chỉ trong sự hiệp thông hiệp nhất với Giáo
Hội, chúng ta mới có thể đón nhận được Tin Mừng Phục Sinh. Giống như Tôma ngày
xưa, khi tách rời khỏi cộng đoàn các tông đồ là Giáo Hội, đức tin của ông bị
chao đảo, thử thách. Chỉ khi ông quay trở về đón nhận lời chứng của các tông đồ,
đức tin của ông mới được củng cố. Và, chỉ trong Giáo Hội, cùng với Giáo Hội, Tôma
mới có thể cảm nghiệm và gặp gỡ được Chúa Phục Sinh.
Xin Chúa cho chúng ta một lòng trung thành yêu mến gắn bó với Giáo Hội. Vì
tin rằng, Giáo hội là Mẹ đang nhân danh Chúa Phục Sinh để nuôi dưỡng, chăm sóc
từng người chúng ta. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể cho chúng ta nhờ siêng năng đến
đón rước Chúa, được củng cố đức tin và sống tình huynh đệ bác ái với mọi người.
Amen.
Linh mục Giuse Đỗ
Đức Trí – GP Xuân Lộc
Bạn hãy Like hoặc Comment để ủng hộ Niềm vui phục vụ nhé bạn nhé .Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ (^_*)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét