YÊU ĐẾN HY
SINH TÍNH MẠNG
Chiều ngày 31/3 vừa qua, nước Pháp đã cử hành nghi lễ quốc tang cho trung
tá cảnh sát Beltrame. Cả nước Pháp đã khóc thương và khâm phục về hành động hy
sinh cao cả của ông. Trước đó, vào ngày 23/3 một tên khủng bố đã chiếm một siêu
thị tại miền Nam nước Pháp và cầm giữ con tin. Viên cảnh sát này đã vào thương
lượng với hắn và đã tự nguyện làm con tin thay thế, để đánh đổi tự do cho những
con tin kia được thoát ra ngoài. Sau đó không lâu, tên khủng bố đã nổ súng và
giết chết viên cảnh sát này. Cảnh sát Beltrame đã dám hy sinh mạng sống mình để
cho những người khác được sống. Động lực nào thúc đẩy một cảnh sát dám hy sinh
mạng sống mình để cứu người khác như thế? Các nhà phân tích cho rằng: “Hành động
đó chắc chắn vượt trên sự can đảm, và tinh thần trách nhiệm”. Cái khoảnh khắc
anh quyết định đánh đổi để trở thành con tin trong tay tên khủng bố, là kết quả
của một quá trình được hấp thụ một nền giáo dục tôn giáo, chính xác hơn, chính
đức tin đã thấm nhập vào cuộc đời của anh. Chỉ vài giây phút để quyết định,
nhưng nó là kết quả, là tóm tắt cả một đời người. Như Picasso nói: “Một bức tranh có thể vẽ trong vài phút, vài
giờ, nhưng là kết quả của hàng chục năm tìm kiếm, học hỏi, thực tập”.
Hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta về giới răn cốt lõi của Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dám hy
sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Có thể nói rằng, đọan Tin Mừng chúng
ta vừa nghe ngập tràn những lời lẽ yêu thương phát xuất từ trái tim của Chúa muốn
nhắn gửi cho chúng ta. Chúa Giêsu nói những lời yêu thương tha thiết này trong
khung cảnh, không còn bao lâu nữa, Ngài bước vào cuộc khổ nạn thập giá vì yêu
thương nhân loại. Chúa Giêsu chấp nhận một cuộc đánh đổi, từ địa vị là Thầy,
nay trở nên người bạn, từ địa vị là Thiên Chúa, nay trở nên con người hữu hạn,
là Đấng Hằng Sống, nay chấp nhận cái chết, chỉ vì yêu nhân loại và muốn cho con
người được sống. Chấp nhận đánh đổi như thế, Chúa không được lợi gì, mà hoàn
toàn chỉ do sự thúc đẩy của tình yêu. Vì đã dành cho con người một tình yêu đến
tận cùng như thế, Chúa cũng thiết tha muốn những người được Ngài yêu thương
cũng phải biết yêu thương nhau. Hành động hiến thân mình trở nên của ăn, của uống
cho nhân loại, trao phó cả con người mình vào tay các tông đồ, Chúa Giêsu muốn
diễn tả tình yêu đến cùng của Ngài. Với cuộc khổ hình thập giá, Chúa Giêsu đã
chứng minh cách cụ thể đòi hỏi đến cùng của giới răn yêu thương là dám hy sinh
mạng sống vì người mình yêu. Hy sinh mạng sống cho người thân, ruột thịt đã là
hành động cao cả, nhưng Chúa còn muốn chúng ta cũng phải yêu thương và dám hy
sinh cho cả những người xa lạ nữa. Chỉ khi chúng ta dám yêu như thế, chúng ta mới
có thể trở nên giống chúa Giêsu, nên bạn hữu của Chúa và trở nên như người thân
tín nhất, người nhà của Chúa. Khi chúng ta dám sống, dám yêu như Chúa dạy, Chúa
sẽ cho chúng ta tham dự vào tình thân của Ngài với Chúa Cha, được thấy, được
nghe, được biết ý Chúa Cha.
Chúa Giêsu cũng cho biết rằng, mỗi người chúng ta hôm nay đang ở đây, lúc
này là vì chúng ta được Chúa yêu thương tuyển chọn để trở nên các môn đệ của
Chúa. Vì thế, giống như cành nho được gắn kết và đón nhận nhựa sống từ cây nho
là Chúa Giêsu, chúng ta phải trổ sinh hoa trái tốt lành yêu thương cho thế giới.
Chúng ta được mời gọi : “hãy ở lại trong
tình yêu của Thầy” bằng cách tuân giữ và thực hành giới răn yêu thương của
Chúa.
Sách Công Vụ cho chúng ta mẫu gương của Phêrô, sống gắn bó, ở lại trong
tình yêu của Chúa và thực hành giới răn của Chúa. Hơn ai hết, Phêrô là người cảm
nhận cách mạnh mẽ và sống động về tình yêu Chúa dành cho ông. Từ một tông đồ được
Chúa tín nhiệm nhất, Phêrô cậy dựa vào sức riêng mình nên đã vấp ngã. Trong cuộc
thương khó của Chúa, ông công khai chối Chúa đến ba lần. Nhưng Phêrô đã không
thất vọng, ông vẫn tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa để làm lại cuộc đời,
đền đáp lại tình yêu của Chúa. Câu chuyện hôm nay cho thấy, khi Phêrô bước vào
nhà ông Cornêliô, ông này đã phủ phục dưới chân Phêrô, nhưng Phêrô đã can ngăn
và nói: “Xin ông đừng làm như thế, vì tôi
đây cũng chỉ là người phàm”. Phêrô ý thức rằng, ông hoàn toàn là người
phàm, nếu không có tình yêu thương tha thứ của Chúa và sự tín nhiệm của Chúa,
ông sẽ chẳng là gì. Chính tình yêu của Chúa đã biến đổi Phêrô và nâng Phêrô chỗi
dậy. Giờ đây, thấm nhuần bài học và giới răn yêu thương của Chúa, Phêrô dành trọn
cả đời mình để đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người. Trong cái nhìn của
Phêrô, tình yêu Thiên Chúa không bị giới hạn bởi một chủng tộc nào. Chúa đã yêu
thương tất cả mọi dân và hiến thân mình vì tất cả nhân loại: “Tôi nhận biết rằng, Thiên Chúa không thiên
tư tây vị. Bất cứ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ở
ngay lành đều được Người tiếp nhận”.
Thư Gioan cho chúng ta một dấu chỉ: “Ai
sống yêu thương, là kẻ được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa.
Trái lại, ai không sống yêu thương, thì không biết Thiên Chúa”. Thánh Gioan
lặp lại: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến
thế gian, để nhờ Con Một của Người mà thế gian được sống”. Vì thế mà chúng
ta phải yêu thương nhau.
Thưa quý OBACE, nói lời yêu thương thì dễ, nhưng để thực hành giới răn
yêu thương không dễ. Nó đòi chúng ta phải cố gắng và dám hy sinh, chấp nhận chịu
thua thiệt và có khi chấp nhận tổn hại đến bản thân và cả mạng sống. Nhưng đó
là điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta không giới hạn
tình yêu chỉ dành cho vợ chồng con cái, nhưng là phải mở rộng trái tim và đôi
tay để vươn đến những người chung quanh, đặc biệt những người đau khổ, cô thế
cô thân.
Có một người đã nói với danh họa picasso rằng: “Ông vẽ bức tranh có vài tiếng đồng hồ, sao ông lại bán tới mấy ngàn
đôla”. Ông trả lời: “để có bức tranh
đẹp, người hoạ sĩ đã phải suy gẫm, ưu tư, tìm kiếm qua cả hàng chục năm”. Cũng
vậy, sống yêu thương không thể là những hành động bộc phát nhất thời, nhưng nó
phải là kết quả của một quá trình lâu dài nhiều chục năm nuôi dưỡng, vun đắp và
thực hành yêu thương. Để có những hành động yêu thương, hy sinh như viên cảnh
sát Pháp vừa kể trên, chắc chắn anh đã phải được rèn luyện từ trong gia đình,
trong cuộc sống, bắt đầu từ những hành động yêu thương nho nhỏ. Cần phải tập
cho trái tim của mình biết rộng mở, biết cảm thông và nhạy bén trước nhu cầu của
người khác. Chỉ khi được tập luyện sống yêu thương hàng ngày, bắt đầu từ việc
nhỏ, thì chúng ta mới có thể nói năng, phản ứng và hành động bằng trái tim yêu
thương khi chúng ta gặp những việc lớn. Vì thế, hãy bắt đầu tập sống yêu thương
hy sinh cho nhau ngay trong gia đình giữa vợ chồng, anh chị em với nhau. Hãy tập
bớt đi những lời qua tiếng lại, tập nhường nhịn nhau một câu nói, đừng trả miếng
với nhau. Hãy dám chấp nhận một chút thiệt thòi về phần mình, kể cả sự oan ức để
cho gia đình được êm ấm. Nếu như cha mẹ dám hy sinh phần ăn của mình, dám chấp
nhận vất vả cho vợ chồng và con cái, tại sao mình lại không dám bới đi một chút
nóng nảy hoặc giận dữ trên vợ chồng con cái.
Để sống yêu thương trong lối xóm, chúng ta cần biết nghĩ đến người bên cạnh
nhiều hơn. Nghĩ đến nhà bên cạnh đang cần một chút gạo để qua bữa, đang cần một
chút điện cho sáng sủa mát mẻ, cần một đường thoát nước cho sạch sẽ, đang cần sự
yên tĩnh để nghỉ ngơi… đừng chỉ nghĩ, nhưng hãy làm gì đó cho họ. Đó là cách
chúng ta thực tập sống yêu thương. Khi mỗi người, mỗi gia đình, mỗi ngày đem đến
cho nhau một vài niềm vui nho nhỏ, đem đến cho hàng xóm một nụ cười, đem đến
cho những người ta gặp gỡ một lời hỏi thăm chân thành, chúng ta sẽ biến xã hội
này thành ngôi nhà ngập tràn tình yêu thương.
Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ quên đòi hỏi sống yêu thương của Chúa
để chúng ta biết thực tập sống yêu thương mỗi ngày. Và qua từng ngày, chúng ta
góp phần làm cho cả thế giới này ngập tràn tình yêu thương của Chúa. Amen.
Linh mục Giuse Đỗ
Đức Trí – GP Xuân Lộc
Bạn hãy Like hoặc Comment để ủng hộ Niềm vui phục vụ nhé bạn nhé .Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ (^_*)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét