TÌNH YÊU CHIẾN
THẮNG HẬN THÙ
Nhiều lần nói về
hòa bình cho thế giới, Đức Thánh Giáo Hoàng JP II đã quả quyết: Dùng bạo lực để
đáp lại bạo lực thì chỉ có thể gia tăng bạo lực. Chỉ có tình yêu và sự tha thứ
mới có thể đem lại hòa bình cho nhân loại. Đức Thánh Giáo Hoàng JP II đã rút ra
kết luận này từ chính tấm gương của Chúa Giêsu, Đấng đã không dùng bạo lực để đối
đồu với sự dữ, sự ác, nhưng Ngài dùng tình yêu và sự tha thứ để chiến thắng hận
thù.
Các bài đọc
trong ngày Lễ Lá hôm nay thuật lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Thánh
Matthew muốn minh chứng rằng, Chúa Giêsu quả thật là Đấng cứu Thế, là Thiên
Chúa quyền năng; Ngài có thể làm được tất cả mọi sự, nhưng khi mang thân phận
con người, Chúa Giêsu đã hoàn toàn chấp nhận trở nên như con người chúng ta. Trải
qua cuộc thương khó, Chúa Giêsu không phản ứng theo kiểu thế gian, nhưng luôn
thể hiện một tình yêu nhân từ độ lượng với mọi người, kể cả với những kẻ đang
gây đau khổ cho Ngài.
Bài Tin Mừng được
đọc khi kiệu lá, cho thấy một bầu khí tưng bừng náo nhiệt của dân chúng, họ
nghĩ rằng đã đến lúc Chúa Giêsu đứng lên huy động dân chúng, chống lại chính
quyền đô hộ Roma. Có nghĩa là họ muốn Chúa Giêsu đi theo con đường chính trị, sử
dụng chiến tranh, bao lực. Vì thế, khi thấy Chúa Giêsu được các môn đệ đón rước
vào thành Giêrusalem, những người Do Thái đã tung hô: Hoan hô Con vua Davit!
Chúc tụng Đấng nhân Danh Chúa mà đến.
Chúa Giêsu đã
không để mình bị lôi kéo vào xu thế của đám đông. Việc Ngài vào thành
Giêsuralem là để làm trọn những lời Kinh Thánh đã nói về Người. Người không thể
hiện mình như một chiến binh ngồi trên chiến mã, nhưng tỏ ra là một vị vua đem
lại hòa bình, ngồi trên lưng lừa con. Với tư thế này, Chúa Giêsu cho thấy Người
là một vị vua tình yêu, chứ không phải là một hoàng đế; Người dùng sự hiền lành,
tình yêu thương để đối xứ với nhân loại, chứ không dùng bạo lực và vũ khí; Người
sẽ chiến thắng thế gian bằng tình yêu và sự tha thứ, chứ không bằng binh lực
chiến tranh.
Vì không chấp
nhận đường lối hòa bình của Chúa Giêsu, nên Giuda đã muốn dồn Chúa Giêsu đến chỗ
phải chấp nhận một cuộc khởi nghĩa bằng bao lực, tấn công. Anh đã thỏa thuận với
các thượng tế để tìm cách trao nộp Chúa Giêsu cho họ. Chúa Giêsu biết sự việc
đã xảy ra, Ngài biết Giuda, một học trò đã bị đồng tiền và sự ác chi phối, Ngài
đau đớn trong lòng về sự phản bội này, song Chúa Giêsu đã để cho tình yêu của
Ngài bao trùm tất cả. Ngài không oán trách, nhưng vẫn bày tỏ tình thương đối với
anh.
Bữa tiệc Vượt
Qua diễn ra trong bầu khí thánh thiện với tâm tình tạ ơn của cả dân tộc Israel
để tưởng nhớ việc Thiên Chúa giải thoát họ khỏi đất Aicập. Chúa Giêsu đã biến bữa
tiệc này thành bữa tiệc hy sinh trao tặng. Trong bầu khí tràn ngập tình yêu
thương, Chúa Giêsu đã lên tiếng nhắc cho Giuda biết về việc làm sai trái của
anh: Một người trong các con sẽ phản bội Thầy. Tuy nhiên, vì Giuda đã đóng cửa
lòng, đã quay lưng lại với tình yêu để chọn thế gian và bạo lực, anh đã không
đón nhận được tín hiệu yêu thương từ nới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không xua đuổi,
không từ chối anh, Ngài vẫn thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương đối với anh, Ngài
bẻ bánh trao cho anh, lấy thức ăn cho anh, nhưng anh vẫn không cảm nhận được điều
đó. Anh đứng lên bỏ ra ngoài.
Không có gì gây
tổn thương bằng, khi những kẻ mình yêu thương tỏ ra dửng dưng vô cảm và với
mình. Chúa Giêsu cũng đã trải qua tâm trạng như thế. Không còn cách nào hơn để
diễn tả tình yêu và sư hy sinh tự hiến của mình, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh và
rượu, trao cho các môn đệ và nói với các ông: Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy
sẽ đổ ra để tha tội cho nhân loại. Nhưng các môn đệ dường như vẫn không thể hòa
cùng một nhịp yêu thương và tâm trạng của Chúa Giêsu, họ cũng chẳng chú ý là mấy.
Khi Thầy, trò cùng Chúa đến vườn Cây Dầu, các môn đệ tìm chỗ để ngủ, họ để Chúa
cô đơn, một mình chiến đấu với sự giằng co và sợ hãi. Sau những lần kêu mời các
ông: Hãy tình thức và cầu nguyện, Ngài như một người mẹ hết sức cảm thông khi
thấy mắt con mình năng trĩu, Chúa không trách các ông, nhưng Ngài nói: Thôi!
Các con cứ ngủ đi.
Khi bị bắt, bị
điệu đến trước dinh Caipha, một mình Chúa Giêsu đứng giữa những đám người đang
nuôi trong mình sự ghen tức muốn trả thù. Những người này đã từng sợ mất ảnh hưởng,
sợ Chúa Giêsu tranh giành quyền lực, khi thấy đám đông dân chúng theo Ngài, nên
giờ đây là lúc họ trút sự thù óan lên Chúa Giêsu. Trả lời cho những lời chửi bới
vu cáo này là sự im lặng. Nhưng khi cần phải nhân danh Thiên Chúa để trả lời
câu hỏi của Thượng tế: Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không? Chúa
Giêsu đã khẳng định: Đúng như Ngài vừa nói.
Khi Chúa Giêsu bị
điệu đến dinh tổng trấn Philatô, những người Do Thái, do sự xúi giục của các
Thượng Tế, đã tráo trở và thể hiện âm mưu của mình là muốn Chúa Giêsu phải chết.
Nếu như trước đây, các Thượng tế chỉ khó chịu với Chúa Giêsu về vấn đề giáo lý,
tôn giáo, lúc này trước mặt Philatô, họ vu cáo Chúa Giêsu như một kẻ bạo loạn
chính trị nguy hiểm. Họ nói: Ông này xưng mình là vua dân Do Thái; ông này xúi
dân không nộp thuế cho Hoàng đế. Những người Do Thái công khai nhận mình chỉ
tôn thờ Hoàng đế, họ chọn tha Baraba là kẻ trộm cướp và không chấp nhận Chúa
Giêsu là Đấng Kitô. Đáp lại sự cáo buộc tráo trở này và sự gian ác của người Do
Thái, sự nhục mạ của các tên lính, Chúa Giêsu không nói một lời nào, Ngài chỉ
nhìn họ bằng ánh mắt chạnh lòng thương vì họ lầm không biết.
Khi Philatô
trao Chúa Giêsu cho những người Do Thái và quân lính hành hạ và đem đi đóng
đinh, Chúa Giêsu một mình như đứng giữa bầy sói. Sự gian ác thâm hiểm của con
người đã lên đến cực độ, sự thù oán tích tụ lâu ngày, nay có dịp bùng lên. Suy
gẫm đoạn tường thuật này, Tin Mừng cho thấy, những người Do Thái dường như đã
đánh mất tính người và tình người, chỉ còn lại trong mình bộ mặt và sự dã tâm của
những con dã thú. Chúng nhảy vào xâu xé, đánh đập, hành hạ Chúa Giêsu cho thỏa
với bản năng của mình. Trước sự hung tợn đó, Chúa Giêsu vẫn không hề sợ hãi,
Ngài đón nhận tất cả với một lòng yêu mến hoàn toàn dành cho Thiên Chúa Cha và
với một tình yêu bao dung quảng đại dành cho nhân loại.
Trong lúc chịu
đau đớn như vậy, Chúa vẫn thể hiện tình thương và sự quan tâm đến những người
chung quanh, trước hết là các phụ nữ. Chúa cảm thông với trách nhiệm làm vợ làm
mẹ của họ, cảm thông với những nỗi khổ tâm của họ khi bị chồng con phản bội: Đừng
khóc thương ta, nhưng hãy khóc thương các chị và con cháu các chị. Khi bị đóng
đinh trên thập giá, Chúa Giêsu đã dành tình yêu thương của mình cho người mẹ và
những người môn đệ đang ở chung quanh. Cuối cùng, sau khi đã hoàn tất mọi sự,
Chúa Giêsu đã trao phó cả linh hồn và xác cho Thiên Chúa, như một người con thảo
hiếu hết mực yêu mến và vâng phục cha mình.
Trong cuộc sống
thường ngày, chúng ta dễ bị cám dỗ dùng bạo lực, nóng nảy để giải quyết vấn đề,
dùng sự trả thù ghen ghét, ác độc làm vũ khí. Mỗi người được mời gọi nhìn vào
Chúa Giêsu trong cuộc thương khó này, để học nơi Chúa sự yêu thương tha thứ, để
biết cư xử tha thứ và yêu thương đối với những người gây tôn thương cho mình;
dùng tình yêu và trái tim thương xót để giải quyết tất cả các vấn đề xảy đến
trong cuộc sống, nhất là trong gia đình. Noi gương Chúa Giêsu xin cho chúng ta
cũng biết để cho tình yêu và sứ tha thứ vượt thắng tất cả. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét