NGẬP TRÀN TÌNH YÊU THƯƠNG
Ngày 14/2 hằng
năm được gọi là ngày Valentine, ngày Tình yêu, bởi vì phát xuất từ một tình yêu
hy sinh quên mình vì hạnh phúc của người khác, do một linh mục tên là
Valentino. Bất chấp lệnh cấm kết hôn đối với những người đang độ tuổi quân dịch,
linh mục Valentino đã âm thầm chứng hôn cho một đôi bạn trẻ yêu nhau. Sự việc đến
tai hoàng đế, ông đã ra lệnh bắt và tử hình vị linh mục can đảm này. Từ đó,
ngày tử đạo của ông được gọi là ngày Valentine để tôn vinh những con người dám
hy sinh tính mạng vì tình yêu và hạnh phúc của người khác.
Nếu như ngày
Valentine được cả thế giới tổ chức, như một ngày của tình yêu, thì có thể nói
ngày Thứ Năm Tuần Thánh phải là ngày ngập tràn tình yêu cho tất cả nhân loại.
Vì trong ngày này, không phải là một người hy sinh cho một đôi tình nhân, nhưng
chính Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người, đã hy sinh, hiến dâng cả mạng sống, máu
thịt mình cho hạnh phúc và sự sống đời đời của cả nhân loại. Vì thế, cho đến
muôn đời, ngày hôm nay mãi mãi được gọi là Thứ Năm Thánh.
Bầu khí của buổi
chiều hôm nay có vẻ trầm trầm nhưng không buồn bã u ám, mà là vẻ thâm trầm, sâu
lắng, nhưng hùng tráng của một bản trường ca tình yêu Đức Giêsu dành cho nhân
loại. Bản trường ca tình yêu này kể lại với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Tin Mừng Gioan cho thấy, Chúa Giêsu hoàn toàn ý thức và chủ động thể hiện tình
yêu của Ngài với tất cả mọi người hiện diện hôm đó. Chúa Giêsu biết giờ của Người
đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc
về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Có lẽ không còn có thể
có từ ngữ nào trong nhân loại để diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu trong giờ phút
này. Thánh Gioan chỉ có thể diễn tả bằng cụm từ: Người yêu thương họ đến cùng.
Yêu đến cùng, là
tình yêu của cha mẹ dành cho con, của người thầy dành cho các học trò. Vì không
muốn xa rời, nhưng phải chia tay, vì vậy, tâm trạng của Chúa Giêsu lúc này thật
khó tả. Chúa Giêsu đã làm tất cả những gì có thể làm trong những giờ phút còn lại,
để thể hiện tình yêu thương tột cùng dành cho các môn đệ. Chúa Giêsu và các môn
đệ cùng tham dự bữa tiệc Vượt qua là bữa tiệc thánh theo truyền thống đạo Do
Thái, để tưởng niệm việc Thiên Chúa giải thoát dân Do Thái khỏi cảnh nô lệ Ai Cập.
Trong bữa ăn này, Chúa Giêsu còn đi xa hơn và sâu hơn ý nghĩa của việc giải
thoát, khi Ngài biến bánh và rượu trở nên thịt và máu của Ngài để làm của ăn
cho nhân loại và để tẩy rửa tội lỗi và giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của
ma quỷ và tội lỗi.
Ngày cầm bánh
và rượu, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: Đây là mình Thầy, anh em hãy
cầm lấy mà ăn. Đây là máu Thầy, anh em hãy cầm lấy mà uống, máu đổ ra để muôn
người được tha tội. Với việc lập Bí tích Thánh Thể, trao ban thịt máu mình làm
của ăn của uống cho nhân loại, Chúa Giêsu đã chấp nhận sự hy sinh đến cùng, hy
sinh đến độ trao ban tất cả con người, mạng sống, hơi thở, máu thịt cho những
người mình yêu thương. Hơn nữa, biến mình thành của ăn của uống, Chúa Giêsu muốn
được các môn đệ hằng ngày nhớ đến Ngài, ăn Ngài, để cho Ngài được đi vào trong
thể xác và tâm hồn, nên một với mỗi người và làm nên chất dinh dưỡng nuôi sống
cả xác hồn nhân loại.
Biến bánh và rượu
nên máu thịt của mình, đồng thời lại làm cho máu thịt vẫn giữ nguyên hình dàng
bánh và rượu, Chúa Giêsu muốn thực hiện phép lạ kỳ diệu này, để được ở lại với
nhân loại cho đến ngày tận thế. Để có thể hiện diện mãi với những kẻ mình yêu
thương, Chúa Giêsu đã có một sáng kiến vượt sức tưởng tượng, đó là trao cho các
môn đệ của mình quyền năng của chính Ngài khi nói với các ông: Các con hãy làm
việc này mà nhớ đến Thầy. Với mệnh lệnh lênh này, Chúa Giêsu lập nên chức Linh
Mục và trao ban cho các linh mục được quyền nhân danh Chúa tiếp tục cử hành màu
nhiệm Thánh Thể và nối dài sự hy sinh và tình yêu đến cùng của Chúa mỗi ngày
nơi bàn thờ.
Chúa Giêsu trao
cho các học trò một nhiệm vụ vô cùng cao trọng đó là tiếp tục nhân danh Ngài cử
hành và sống màu nhiệm tình yêu tự hiến của Chúa cho đến ngày tận thế. Chúa thừa
biết rằng, các môn đệ của Chúa là những người bất toàn, Chúa biết các ông hèn
nhát, sẽ bỏ chạy khi gặp kháo khăn, sẽ phản bội khi gặp thử thách, nhưng Chúa vẫn
hết mực tin tương nơi các ông. Cho đến ngày hôm nay, các giám mục, các linh mục
vẫn mãi là những người trần mắt thịt, yếu đuối, tội lỗi sai lầm, nhưng Thiên
Chúa vẫn muốn sử dụng những con người này, để cử hành màu nhiệm tình yêu của
Thiên Chúa và cũng để nhân danh Thiên Chúa tiếp tục yêu thương nhân loại cho đến
cùng theo gương của Chúa Giêsu.
Để cụ thể bài học
yêu cho đến tận cùng, Chúa Giêsu đã làm một việc, mà các tông đồ không thể chấp
nhận được. Simon Phêrô đã phản ứng quyết liệt: Thưa Thầy, không thể như thế được,
Thầy không thể rửa chân cho con như thế được. Thánh Gioan kể lại: Chúa Giêsu chỗi
dậy, rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu và
cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Từng động tác của Chúa Giêsu được tác giả
Tin Mừng cảm nhận và ghi lại chi tiết. Ngài đã chỗi dậy, không chỉ rời khỏi bàn
ăn, mà còn rời bỏ địa vì là Thầy, là chủ và là Chúa, để bước đến với những con
người thấp hèn bé nhỏ. Ngài cởi áo choàng ra, lấy khăn thắt lưng: Đây là một sự
cởi bỏ khỏi sự tự ái khỏi cái tôi, giũ bỏ cả địa vị cao trọng để lấy khăn thắt
lưng, chấp nhận biến mình trở thành một người hầu, người phục vụ, kẻ nô lệ cho
học trò của mình.
Sau khi bài học
về phục được được dạy bằng việc làm cụ thể cho các môn đệ, Chúa Giêsu trở về với
vị trí của một người thầy, Ngài mặc áo lại, trở về chỗ và giải thích cho các
môn đệ: Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa. Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa
chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau… Anh em hãy làm như Thầy
đã làm cho anh em. Trăm nghe không bằng một thấy; Lời nói mau qua, gương lành
lôi kéo. Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ bài học yêu thương phục vụ một cách hết
sức cụ thể. Để có thể phục vụ anh em giống như Chúa, đòi mỗi người cũng phải
dám từ bỏ địa vị hiện tại của mình là ông nọ bà kia, dù mình là ai…, để có thể
cúi xuống rửa chân cho anh em. Rửa chân cho anh em, là dám chấp nhận gạt bỏ mọi
sự tự ái, cái tôi, kể cả danh dự, để cúi xuống phục vụ, không so bì tính toán
thiệt hơn và không vì một mục đích nào khác là yêu thương và muốn người mình
yêu được hạnh phúc.
Ngày Thứ Năm
Thánh hôm nay phải là ngày mỗi chúng ta, dù là linh mục hay giáo dân, cảm nhận
được niềm vui và hạnh phúc vì được ngụp lặn trong biển trời yêu thương của Chúa
Giêsu. Chỉ khi mỗi người thực sự cảm nhận, thục sự đụng chạm được tình yêu của
Chúa, thì mới có thể hiểu được một tình yêu vĩ đại Chúa Giêsu dành cho mỗi
chúng ta. Hiểu và cảm nhận được tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ được sống trong
hạnh phúc ngay hôm nay vì biết rằng mình là người được Chúa yêu thương bằng một
tình yêu đến cùng. Cũng đừng ngại ngùng và tự hào vì mình là người yêu của
Chúa, được Chúa yêu, vì sự tự hào này sẽ
giúp chúng ta sống xứng đáng với tình yêu của Chúa và sống giống với tình yêu của
Chúa. Sống xứng đáng và sống giống tình yêu của Chúa, có nghĩa là chúng ta được
mời gọi để yêu thương vợ, chồng, con cái và mọi người bằng tình yêu đến cùng giống
như Chúa; Chấp nhận sự hy sinh, thiệt thòi, sức khỏe, thời giờ kể cả mạng sống,
cho vợ chồng con cái và cho anh chị em chung quanh. Mỗi người cần vun đắp và
làm cho gia đình trở thành nơi ngập tràn tình yêu thương và sự linh thánh như
căn phòng tiệc ly của Chúa Giêsu và các môn đệ.
Hãy nhận lấy mà
ăn; Hãy cầm lấy mà uống, là lời thiết tha Chúa đang mời gọi mỗi người. Xin Cho
chúng ta luôn tin tưởng đến đón nhận tình yêu thương tận hiến của Chúa nới Bí
Tích cực trọng này để chúng ta có đủ sức mạnh yêu thương, hy sinh tận hiến cho
nhau. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét