THÁNH THẦN – ĐẤNG THÚC ĐẨY GIÁO HỘI
ĐI ĐẾN VỚI MUÔN DÂN
Bước vào ngàn năm thứ ba, chúng ta
có thể thấy, Chúa Thánh Thần đã hoạt động một cách mạnh mẽ và cụ thể trong Giáo
Hội qua các vị chủ chăn. Đức Thánh Giáo hoàng JP II là một vị Giáo hoàng bôn ba
khắp thế giới để xây dựng đời sống đức tin nơi các tín hữu, nối kết mọi dân tộc,
thúc đẩy hòa bình. Ngài là vị Giáo hoàng có số lần thăm viếng mục vụ ngoài
Italia nhiều nhất từ trước đến nay, bất chấp sự đe dọa từ các tổ chức chính trị
xã hội. Ngài mở ra cho Giáo Hội một hướng đi đối thoại với mọi thành phần, và mạnh
dạn xin lỗi cả thế giới vì lỗi lầm của Giáo Hội. Kế vị Ngài là Đức Giáo hoàng
Benedicto 16, một con người giỏi giang, uyên bác, Ngài đã đem đến cho Giáo Hội
một sự cải cách mạnh mẽ, làm sáng tỏ nhiều vấn đề giáo lý và thay đổi những lối
suy nghĩ bảo thủ. Ngài còn được coi là vị Giáo Hoàng đơn sơ khiêm nhường xin sự
cầu nguyện và giúp đỡ của mọi thành phần Giáo Hội. Với việc Ngài từ nhiệm để sống
một cuộc sống ẩn dật, cầu nguyện cho Giáo Hội, đã trở thành một tấm gương lớn về
sự khiêm nhường và từ bỏ. Kế vị Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 là đương kim Giáo hoàng
Phanxicô, Ngài đã tạo nên một hình ảnh Giáo Hội gần gũi, đơn sơ và phục vụ người
nghèo khổ, qua việc Ngài dễ dàng tiếp xúc với mọi thành phần trong xã hội. Cũng
chính Đức Phanxicô đã lên tiếng mời gọi mọi thành phần Giáo Hội phải “đi ra” để
gặp gỡ, cảm thông, sẻ chia.
Một vài ví dụ như trên để cho thấy
Chúa Thánh Thần, kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần
năm xưa đã hiện xuống trên các tông đồ, vẫn đang hiện diện và hoạt động mạnh mẽ
trong Giáo Hội và nơi mỗi chúng ta hôm nay. Ngài canh tân biến đổi Giáo Hội và
thúc đẩy Giáo Hội ra khơi để loan báo Tin Mừng.
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống như
là ngày khai trương Giáo Hội, ngày Giáo Hội chính thức xuất hiện với thế giới.
Mặc dù Giáo Hội đã được Chúa Giêsu thiết lập trên nền tảng các tông đồ và trao
phó cho Phêrô vai trò thủ lãnh trong anh em, nhưng suốt thời gian Chúa Giêsu
còn ở trần gian, Giáo Hội vẫn chỉ là hạt mầm được Chúa Giêsu gieo vào thế giới,
âm thầm nảy mầm, bén rễ. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, với sự trợ giúp của Thánh Thần,
Giáo Hội đã vươn mình đứng dậy, tỏa bóng mát bao trùm thế giới và trổ sinh những
bông hạt đầu tiên.
Sau cái chết của Chúa Giêsu, các
tông đồ đã vô cùng sợ hãi, họ trở nên co cụm nhút nhát, tránh né việc xuất hiện
công khai. Sau khi đã được gặp Chúa Phục sinh, được củng cố niềm tin rằng Chúa
vẫn đang sống, các tông đồ như được hồi sinh để sống một tinh thần mới, một cuộc
đời mới. Tuy nhiên, để ban thêm sức mạnh giúp các ông có thể chu toàn được sứ mạng
cao cả là đến với muôn loài muôn vật, làm cho họ trở nên mộn đệ của Chúa, các
ông cần phải được trợ giúp đặc biệt. Vì thế, Chúa Giêsu đã hẹn các ông: Hãy ở lại
Gierusalem để chờ đợi lãnh nhận Chúa Thánh Thần như Chúa đã hứa. Vào ngày Lễ
Ngũ Tuần, Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ, đã giới thiệu các ông với
thế giới. Mọi người ở Giêrusalem vô cùng ngạc nhiên về sự xuất hiện của những
con người này.
Thánh Thần là Đấng canh tân biến đổi
– Mọi người ở Gieruslem dịp đó ngạc nhiên về sự thay đổi mau chóng nơi các tông
đồ. Nếu như trước đây, các ông chỉ là một đám môn đệ đi theo thầy Giêsu, chẳng
được mấy người quan tâm biết đến, thì bây giờ các ông trở nên nhưng con người mạnh
dạn nói về Chúa Giêsu cho mọi người. Trước đây, các ông tỏ ra rụt rè, nhút nhát
sợ hãi, giờ đây, các ông trở nên can đảm phi thường, nói về Chúa Giêsu không
chút sợ hãi. Trước đây, các ông chỉ là những ngư phủ bình dân ít học, vậy mà giờ
đây các ông trở thành những người uyên bác không ai có thể tranh luận được với
các ông.
Bước ra khỏi nhà tiệc ly, các tông
đồ như được lột xác vươn mình đứng dậy như một hạt giống đã ủ mầm nay bung ra
những cành lá xum xuê và đơm hoa kết trái. Bài giảng của Phêrô đã khiến cho
hàng ngàn người tin vào Chúa Giêsu và xin làm môn đệ của Chúa. Sách Công Vụ kể
lại: Thánh Thần đã thực sự quy tụ muôn dân qua chính con người của các tông đồ.
Nếu như trước đây với sự kiêu căng thách thức Thiên Chúa của con cháu ông Noe
qua biến cố xây tháp Baben đã khiến cho nhân loại chia rẽ nhau, không còn nghe
và hiểu nhau nữa, thì nay lời Phêrô rao giảng đã khiến cho mọi dân tộc khác
nhau được quy tụ lai và hiểu được tiếng nói của Phêrô. Khi đón nhận những lời
rao giảng của các tông đồ, những người nghe cảm thấy họ từ những người xa lạ,
nay đã trở nên thân quen, dù khác biệt, nhưng trở nên thân thiết, nhờ tiếng nói
của Thánh Thần và của Tin Mừng.
Thánh Thần là Đấng thúc đẩy Giáo Hội
lên đường. Ngay từ sau ngày lễ Hiện Xuống, các tông đồ đã hoàn toàn trút bỏ khỏi
sự sợ hãi, co cụm để mạnh dạn tỏa đi khắp muôn phương nói về Chúa Giêsu Phục
sinh. Các tông đồ ý thức rằng đã đến lúc các ông phải ra khơi phục vụ Tin Mừng,
quăng những mẻ lưới yêu thương để đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Các ông đã
khiêm tốn mở rộng tâm hồn như một cánh buồm để cho làn gió của Thánh Thần thổi
vào và đưa các ông đi đến tận cùng cõi đất.
Sách Công Vụ Tông đồ đã kể lại cho
chúng ta các hoạt động của các tông đồ, đặc biệt là của Phêrô, Gioan, sau này
là Phaolô. Các Ngài đã thành lập nên các giáo đoàn ở khắp nơi, hiện diện, đồng
hành với các tín hữu sơ khai, giảng dạy, khuyên bảo họ. Các Ngài đã trải qua
bao nhiêu khó khăn thử thách, bị bắt bớ, tù đày, roi đòn, nhục mạ… tất cả những
khó khăn đó không làm cản bước các ông. Có những người ra đi thật xa, đến tận Ấn
Độ và những vùng miền xa xôi đến độ, hầu như các tác giả sách Công Vụ không còn
nhận được thông tin từ các Ngài nữa. Chỉ sau này, người ta mới biết đến sự hiện
diện của các Ngài nhờ các giáo đoàn mới được nảy sinh.
Tiếp nối bước chân các tông đồ, trải
qua hơn 2000 năm, Giáo Hội với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, vẫn không mệt mỏi
để đem Tin Mừng của Chúa đến tận cùng ngóc ngách của thế giới. Nhìn lại lịch sử
hai ngàn năm, từ mười hai con người đầu tiên tại Giêrusalem đến nay, Giáo Hội
và Tin Mừng của Chúa đã được lan tỏa và đang từng ngày biến đổi bộ mặt thế giới
này.
Mỗi người, qua Bí tích Rửa tội,
chúng ta đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, đặc biệt trong ngày lãnh Bí tích
Thêm Sức, chúng ta được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn phúc, trang bị cho chúng ta
những hành trang cần thiết, để thúc đẩy mỗi người tiếp tục lên đường, thành những
ngư phủ ra khơi đem các linh hồn về cho Chúa. Đó là trách nhiệm mỗi người buộc
phải thi hành, không thể chần chừ hay thoái thác.
Trong thư Corintô, Thánh Phaolô còn
nhấn mạnh: Mỗi người dù là linh mục hay tu sĩ giáo dân, dù là ông bà cha mẹ hay
con cái, chúng ta đều được đón nhận ân sủng và được thúc đẩy của Thánh Thần để
sống và làm chứng cho Tin Mừng. Các linh mục tu sĩ được mời gọi để Chúa Thánh
Thần hướng dẫn và hoạt động trong đời dâng hiến tu trì. Các giáo dân được thúc
đẩy để sống trọn vẹn và đầy tràn ơn gọi của mình trong gia đình, giữa đời thường.
Mỗi người đều phải sẵn sàng mở lòng, để cho Thánh Thần tác động, biến đổi và đốt
nóng lòng hăng say nhiệt thành, gia tăng lòng yêu mến, để không ngần ngại sống
và làm chứng cho Chúa theo bậc sống của mình.
Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến
canh tân, biến đổi tâm hồn, gia đình và cả cộng đoàn chúng con, biến chúng con
thành những chiến sĩ, những tông đồ của lòng thương xót Chúa cho anh chị em.
Amen.
Bạn hãy Like hoặc Comment để ủng hộ Niềm vui phục vụ nhé bạn nhé .Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ (^_*)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét