LỄ CHÚA THĂNG THIÊN: | NIỀM VUI PHỤC VỤ

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN:

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017
CHÚA VỀ TRỜI VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI
Ai có dịp đến phi trường có thể dễ dàng chứng kiến những cảnh ngậm ngùi chia tay nhau, kẻ ở người đi lưu luyến. Dù là chia tay nhau để đi Mỹ, di du học, vẫn không thể che dấu được những giọt nước mắt của những người thân thương dành cho nhau.
Hôm nay, Chúa Giêsu và các tông đồ, sau bao năm gắn bó, đã phải chia tay nhau, cuộc chia tay này dù lưu luyến, nhưng lại tràn đầy niềm vui và hy vọng. Thày trò chia tay nhau không phải là dấu chấm hết, nhưng chỉ là kết thúc một giai đoạn đã qua và mở ra một giai đoạn mới với sứ mạng mới và tinh thần mới.
Chúa về trời sau khi đã hoàn tất sứ mạng Thiên Chúa Cha trao phó. Là một vị Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chấp nhận từ bỏ địa vị cao sang của mình để mang thân phận con người và bước vào cuộc sống trần gian. Ngài mang lấy trong mình tất cả những giới hạn, yếu đuối và đau khổ của con người, chấp nhận cái chết đau đớn nhục nhã vì yêu mến Thiên Chúa và để cứu chuộc nhân loại. Thiên Chúa đã dùng quyền năng để làm cho Chúa Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, tiêu diệt tử thần và ma quỷ, và nay, Ngài trở về trong vinh quang khải hoàn của một vị Thiên Chúa. Chúa về trời không phải là từ bỏ con người, nhưng để chuẩn bị chỗ cho mỗi chúng ta, Ngài đi trước mở đường để dẫn chúng ta theo sau. Chúa về trời để khẳng định cho chúng ta về niềm hy vọng, về quê hương đích thực của mỗi chúng ta là Nước Trời chứ không phải ở trần gian này.
Chúa về trời không có nghĩa là Ngài không còn hiện diện trên trần gian này nữa, nhưng chỉ là thay đổi cách thức hiện diện mà thôi. Ngài thay đổi từ việc hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt đến hiện diện thiêng liêng bằng tình yêu và quyền năng. Sách Công Vụ đã diễn tả khẳng định này khi nói: Người được cất lên ngay trước mặt các ông và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Thánh Kinh vẫn dùng hình ảnh mây bao phủ để diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa, nay sách Công Vụ cũng dùng hình ảnh đám mây quyện lấy Ngài để diễn tả Chúa Giêsu trở về với thế giới thần linh của Ngài. Chúa Giêsu vẫn hiện diện trước mắt chúng ta, chúng ta không nhìn thấy Ngài bằng mắt thịt, nhưng vẫn có thể thấy Ngài bằng con mắt đức tin.
Chúa về trời để mở ra một giai đoạn mới, một sứ mạng mới cho Giáo Hội. Tin Mừng Matthew kể lại: Chúa Giêsu hẹn gặp các tông đồ trên một ngọn núi, khi đến nơi, thấy Ngài, các ông đã bái lậy Ngài. Điều đó chứng tỏ các tông đồ đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn về Thầy Giêsu. Ngài không chỉ là vị Thầy trước đây, mà còn là Thiên Chúa, Đấng ngự nơi cao. Vì thế, thái độ của các tông đồ là quỳ xuống bái lậy Ngài, nhìn nhận Ngài là chính Thiên Chúa.
Trong giây phút long trọng này, Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ cũng là Giáo Hội, một sứ mạng hết sức quan trọng và cấp bách: Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mệnh lệnh này, Giáo Hội đón nhận trực tiếp từ Chúa Giêsu, để bắt đầu ra đi đến với muôn dân. Giáo Hội có trách nhiệm phải nói cho muôn dân về Chúa Giêsu để họ cũng tin nhận Người là Thiên Chúa, Đấng nắm giữ toàn quyền trên trời dưới đất. Giáo Hội cũng có trách nhiệm làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa qua việc lãnh nhận phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, sống theo đường lối và giáo huấn của Người.
Giáo Hội luôn tin tưởng, thi hành sứ mạng cao cả mà Chúa Giêsu trao phó, trong niềm xác tín rằng, Giáo Hội không làm việc một mình, nhưng trong sự hiện diện và trợ giúp của Chúa Giêsu như lời Ngài hứa: Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế. Quả thật, Chúa Giêsu vẫn ở với Giáo Hội qua Lời của Ngài, qua Bí tích Thánh Thể. Nơi Bí tích này, Chúa Giêsu ở lại một cách sống động và cụ thể để nâng đỡ, thông ban sức sống và tăng cường sức mạnh cho Giáo Hội trên hành trình loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu còn hiện diện trong và qua chính con người của các tông đồ và các thừa tác viên của Giáo Hội, đồng thời trợ giúp các ngài chu toàn sứ mạng Chúa trao phó. Đặc biệt hơn nữa, Chúa Giêsu còn liên tục ở lại với Giáo Hội qua Thánh Thần được ban tặng cho các tông đồ và cho toàn Giáo Hội để soi sáng và hướng dẫn mọi hoạt động của Giáo Hội.
Sống và làm việc vì Nước Trời và hướng về quê hương đích thực là Nước Trời, đó là điều mỗi người phải luôn ghi nhớ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn chúng ta sao lãng bổn phận trần thế nhưng muốn ta trước hết phải chu toàn bổn phận và sứ mạng tại trần gian. Sách Công Vụ kể lại: Đang lúc các ông còn nhìn lên trời theo phía Ngài đi, bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời cũng sẽ ngự đến y như các ông thấy Ngài lên trời. Thiên Chúa không muốn các môn đệ của Chúa sống lơ lửng trong ngây ngất, cũng không mơ mộng, nhưng phải trở về Giêrusalem, tức là trở về với cuộc sống hiện tại, thực tế, thường ngày để đương đầu và giải quyết nhưng vấn đề của cuộc sống.
Lời sứ thần cũng căn dặn các môn đệ trở về cuộc sống nhưng đừng bao giờ quên Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang. Vì thực tế đã có nhiều người sống và lao đầu vào công việc như thể không có Chúa hiện diện trong cuộc đời, trong công việc của mình. Có nhiều người sống như thể không có ngày mai, vì thế, họ rơi vào tình trạng sống vội, sống cuồng, sống ảo và sống buông thả. Có người khác không nghĩ đến ngày cuộc sống của mình sẽ phải chấm dứt, ngày Chúa trở lại để đòi lại sự sống và cuộc đời mà Ngài đã trao gửi nơi mỗi người. Quan trọng hơn nữa, nhiều người quên rằng: Chúa sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, thưởng công cho người lành, người tốt và loại trừ kẻ dữ kẻ xấu, vì thế, họ không biết chuẩn bị cho tương lai chung cuộc của đời mình, không tích góp cho mình công phúc trước mặt Chúa và anh em.
Lễ Chúa Giêsu lên trời còn được chọn làm ngày Quốc tế Truyền thông. Ngày nay, các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội phát triển mạnh nhờ mạng lưới Intrenet. Chúng ta được mời gọi sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để phục vụ cho Tin Mừng, loan báo về Chúa Giêsu cho mọi người. Vì thế, dù làm chủ một địa chỉ facebook hay một trang báo, trang mạng, chúng ta cũng phải sử dụng với một lương tâm ngay thẳng, trong sáng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và nhu cầu thông tin chính đáng của con người, qua đó giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người.
Chúng ta cũng phải mạnh mẽ lên án và tẩy chay những trang mạng bẩn, những báo đài nói dối, nói láo, xuyên tạc, vu khống người khác. Nhiều người dễ dàng tin vào các đài, các trang mạng này hơn là tin vào sự giải thích trình bày của Giáo Hội. Giữa một rừng thông tin ngược xuôi, tốt xấu, mỗi người cũng cần biết gạn lọc và phân định, tìm hiểu thông tin mặt phải, mặt trái, nhiều chiều để rút ra sự thật. Nhiều trang báo đài ngày nay phục cho mục tiêu chính trị, đảng phái, chứ không nhằm cung cấp thông tin khách quan. Có những kênh truyền hình nhắm điều khiển dư luận, lái sự quan tâm của dư luận, khiến cho nhiều người hiểu sai lệch vấn đề, vì thế, hãy hết sức cẩn thận cân nhắc trước các thông tin của các kênh, các trang mạng báo đài này.
Mỗi người chúng ta mang trên mình sứ mạng loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Xin cho chúng ta nhiệt thành và trung thành với sứ mạng Chúa trao dù lúc thuận hay lúc nghịch, dù người ta có muốn nghe hay không muốn, chúng ta vẫn trung thành nói về Chúa Kitô cho thế giới. Amen.



Bạn hãy Like hoặc Comment để ủng hộ Niềm vui phục vụ nhé bạn nhé .Chúc bạn có những giây phút thật vui vẻ (^_*)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Bai đang học

PHUNG VU GIO KINH

GÍAO HỘI

HỘI ĐỒNG GIÁM MUC

HỘI DONG ĐAMINH TAM HIỆP

SÁCH KINH THÁNH TIẾNG ANH

LOI CHUA TIENG ANH MOI NGAY

ĐÀI CHÂN LÝ

THẮC MẮC VỀ TÔN GIÁO

NHAC LÝ GUITA

SỨC KHỎE

TẢI VIDEO NHANH KHÔNG CẦN PHẦN MỀM

LUYỆN THI TIẾNG ANH

GIẢI TRÍ

HOC ĐÀN

Đăng Ký

Tên

Email *

Thông báo *

Hỗ Trợ Online

Tổng số lượt xem

Lên đầu trang Xuống cuối trang